Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải thưởng Thơ của Hội Nhà văn năm 2022: Về hai tác phẩm được vinh danh

Nguyễn Thanh Tâm| 18/03/2023 11:37

(HNMCT) - Sau “mùa trắng” thơ ở Giải thưởng văn học năm 2021 thì tại giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022 đã có hai tác phẩm được vinh danh, đó là “Bóng của ý nghĩ” của Nguyễn Bảo Chân và “Ngàn bài thơ khác” của Trần Lê Khánh.

Các tác giả nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Nguyễn Bảo Chân là một tác giả quen thuộc với những tập thơ đã xuất bản như “Dòng sông cháy” (1994), “Chân trần qua vệt rét” (1999), “Những chiếc gai trong mơ” (2010). Không hẳn là khác biệt, mà là sâu lắng hơn, Nguyễn Bảo Chân trong “Bóng của ý nghĩ” đã đi qua thời “Anh về nơi ấy/ Nắng vàng không anh/ Vơi bao nhiêu lá/ Thì còn lại em”, đã bớt bâng khuâng với “Chút buồn mới se”, để cảm nhận và suy tư nhiều hơn về khoảnh khắc của thân phận xuyên qua không gian và thời gian.

Từ Hà Nội đến Hải Phòng hay Paris, Berlin, Copenhagen; từ hồ Tây đến sông Đáy, sông Seine; từ giấc mơ cũ đến những nỗi niềm hiện tại..., Nguyễn Bảo Chân lắng mình về phía những ưu tư để chiêm nghiệm. “Bóng của ý nghĩ”, một cái tên đủ thông minh, giàu tưởng tượng và cũng ẩn chứa nhiều gửi gắm. Như cách nói của Tôn Trí Di trong lời tựa “U mộng ảnh” của Trương Triều, có bóng phải chăng là vì có hình, có ý nghĩ vì người ta chẳng thể vô tư - vô tình, hình ấy là cảnh, là người, là những gì đã tựu lại thành ký ức, thành sự sống. Cũng có thể, bóng trở nên một biểu tượng với hai lần soi chiếu: Người - Ý nghĩ/ Ý nghĩ - Bóng.

Thơ đi giữa những mộng mơ ấy để thầm thì về thực tại của tinh thần, về những gì sâu kín, đã gắn bó miệt mài với cuộc đời thi sĩ: “Những ý nghĩ nảy mầm lặng lẽ/ trổ lá xanh thăm thẳm phận người” (“Những cánh rừng”). “Bóng của ý nghĩ” là những suy tư về phận mình, phận người, về không gian, thời gian, ký ức, hiện tại, hoài niệm và hy vọng. Thơ chín dần trong ý nghĩ, tỏa lên con chữ, hình tượng, nhịp điệu dư vị của lòng người đang lần lại từng khoảnh khắc đã sống: “Dừng bên sông quen/ Nước sông vẫn lạ/ Soi lòng sông yên/ Đáy trời sóng cả” (“Mình xưa, chốn cũ”).

“Bóng của ý nghĩ” khá kỹ về chữ. Tuy nhiên, chính trong sự trau chuốt lại làm lộ ra mặt trái của vẻ hoàn mỹ. Quả thật, ta thèm một lần khựng lại, nơi con chữ níu chân, cắt vào ta ánh nhìn với dáng vẻ góc cạnh, lạ lùng, khác biệt. Có lẽ, Nguyễn Bảo Chân không thuộc về tạng thơ ấy. Chữ là sự ký thác của bóng, mà chủ thể của bóng lại là một người phụ nữ vốn luôn biết gìn giữ và sắp xếp cảm xúc, suy tư của mình một cách ngăn nắp, biểu lộ một cách tiết chế, không làm khuấy động không gian thơ bằng những gì quá xa lạ, nghịch dị.

Cùng nhận được giải thưởng cho hạng mục Thơ là tập “Ngàn bài thơ khác” của Trần Lê Khánh. Ngàn bài thơ với hơn ngàn trang, là cú nặng tay với người đọc. Những bài thơ ngắn, trong tinh thần tối giản, giải phóng không gian cho mắt nhìn, nhưng đòi hỏi sự im lặng tập trung của tâm hồn và trí tưởng. Theo một liên tưởng tương đối, “Ngàn bài thơ khác” có những khoảnh khắc gần với phẩm tính của những công án. Nghệ thuật - ở đây chúng tôi nhấn mạnh vào thơ, phải chăng là hiện thân của công án, nhằm cứu rỗi chúng sinh trong khát vọng siêu vượt của mình? Từ khía cạnh này, nghĩ về thơ Trần Lê Khánh, chúng ta có một hệ thống thi liệu, cho phép mô tả hình tướng của các công án hiện đại, đồng thời gợi ra những chiều kích của thức nhận trong tâm tình thi sĩ.

Trong im lặng có tất cả. Thế nhưng, người ta đã viết thật nhiều, nói thật nhiều về sự im lặng ấy. Trong mỹ học thi ca, sự im lặng, hàm súc, đa nghĩa nảy sinh từ những khoảnh khắc cực đỉnh của tâm trạng - suy tưởng của thơ có thể được xem xét như trạng thái gần gũi với các công án: “Trăm năm rồi/ tiếng chuông chiều/ không rót đầy/ gợn gió phiêu diêu” (“Vũ trụ”), “Trong ngôi đền/ của loài người/ em cầm bó đuốc/ lau sạch đêm” (“Her job”), “Hoàng hôn/ người lữ khách/ đi ngang đời mình/ chiếc bóng” (“Về nhà”), “Mỗi lần/ đi qua mùa thu/ chiếc áo cà sa/ khô hơn chiếc lá” (“Hành trình hư vô”)...

Không hoàn toàn quán chiếu tư tưởng Thiền tông, rải rác trong “Ngàn bài thơ khác” chúng ta bắt gặp những khoảnh khắc mang hơi thở công án. Về hình tướng, thơ ngắn của Trần Lê Khánh là một trình hiện tối giản với tâm thức hướng đến im lặng. Về mặt tư tưởng - chủ đề, những nhận thức được tỏ bày trong thơ là sự chắt lọc, lắng kết từ hành trình sống - hành trình chứng nghiệm, từ đó bật lên những tứ thơ như là một khoảnh khắc hiện diện của ngộ tính. Về diễn trường của mỹ cảm, thơ ngắn của Trần Lê Khánh gắn với đời sống đương đại, nơi con người đang đối diện với vô vàn tình huống, sự kiện. Thơ cất lên từ hoàn cảnh ấy, lặng lẽ chạm vào trái tim con người, khơi dậy suy tư, xúc cảm về lẽ sống, về yêu - thương hay các quy luật thường nhiên của sinh tồn, biến diệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải thưởng Thơ của Hội Nhà văn năm 2022: Về hai tác phẩm được vinh danh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.