(HNM) - Với nhiều thế hệ văn nghệ sĩ Việt Nam, hình ảnh Bác Hồ luôn là nguồn cảm hứng và là động lực để họ sáng tạo tác phẩm của mình. Trong số gần 100 tựa sách viết về Bác Hồ của Nhà xuất bản Kim Đồng suốt hơn nửa thế kỷ qua, có khá nhiều tác giả thành công với đề tài này.
Trong số đó, phải kể tới các họa sĩ Văn Thơ, Lê Lam. Tại cuộc giao lưu với chủ đề "Hình ảnh Bác Hồ qua trang sách Kim Đồng" do NXB Kim Đồng tổ chức mới đây, những kỷ niệm của các họa sĩ đã được gửi gắm tới nhiều độc giả nhỏ tuổi.
Họa sĩ Lê Lam, người học trò xuất sắc của danh họa Tô Ngọc Vân từng trải qua những năm tháng nơi chiến trường ác liệt. Không chỉ thành công với những tác phẩm về đề tài kháng chiến, họa sĩ Lê Lam còn được biết đến với những tác phẩm vẽ về Bác Hồ khá thành công. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, khi được các em nhỏ hỏi về những kỷ niệm về Bác, họa sĩ như vẫn thấy rưng rưng. Ông nhớ lại lần được gặp Bác Hồ ở nhà sàn Việt Bắc: "Trông Bác lúc ấy thật vô cùng giản dị". Dù chỉ được gặp Bác Hồ một lần tại chiến khu Việt Bắc, nhưng hình ảnh Bác luôn in đậm trong trái tim ông. Và khi được mời vẽ minh họa cho cuốn sách "Từ làng Sen", họa sĩ Lê Lam vô cùng xúc động, coi đó là một dịp may hiếm có để ông bày tỏ lòng biết ơn đối với Người.
Với họa sĩ Lê Lam, những kỷ niệm trong quá trình sáng tác minh họa cho cuốn sách "Từ làng Sen" của nhà văn Sơn Tùng cũng là những kỷ niệm không thể nào quên. Ông kể, để có được 25 bức tranh sinh động phản ánh chân thực về thời niên thiếu cho đến khi ra đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, họa sĩ Lê Lam đã tự mình về tận xứ Nghệ để tìm hiểu và lấy tư liệu về Bác Hồ. Cuốn sách được tái bản lại nhiều lần và dường như người xem vẫn không khỏi xúc động khi lật giở từng trang viết và ngắm lại những bức tranh sinh động về Người. Đó là hình ảnh một người mẹ dắt con trai nhỏ (chính là bà Hoàng Thị Loan và cậu bé Nguyễn Sinh Cung thời nhỏ) bước đi dưới lũy tre làng nơi xứ Nghệ; là hình ảnh cậu bé Côn 9 tuổi đi kiếm củi cho mẹ đun bếp; là thầy giáo Nguyễn Tất Thành đang say sưa giảng bài cho các học trò tại Trường Dục Thanh (Phan Thiết); là hình ảnh của anh Ba sống hòa mình nơi xóm thợ ở Sài Gòn... Mỗi bức tranh như một câu chuyện kể gửi gắm cả những tình cảm và niềm yêu kính vô bờ của người họa sĩ đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.
Không chỉ riêng họa sĩ Lê Lam, họa sĩ Văn Thơ - tác giả của những bức vẽ minh họa trong tập trường ca "Theo chân Bác" (thơ Tố Hữu) cũng ăm ắp bao kỷ niệm về Bác. Họa sĩ nhớ lại: Năm 1960, ông đặt chân đến Hà Nội, hai năm sau ông có tác phẩm vẽ về Bác đó là bức "Bác Hồ với công nhân" trưng bày ở Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1962. Ít lâu sau, họa sĩ được NXB Kim Đồng mời vẽ minh họa cho tập trường ca "Theo chân Bác". Sách xuất bản lần đầu năm 1975, sau được tái bản nhiều lần. Tuy vậy, bản in năm 2000 là bản ông ưng ý nhất, bởi các bức tranh qua nhiều lần chỉnh sửa, đã trở nên hoàn thiện.
Qua từng bức vẽ, có thể hình dung được cuộc đời của Bác thể hiện bởi những hình ảnh đẹp nhất trong từng giai đoạn. Đó là bức vẽ Bác thời còn nhỏ trong ngôi nhà ở Kim Liên; thời gian Bác sống ở Pháp, Liên Xô; khi bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam; lúc trở về nước sau bao nhiêu năm bôn ba, hay những năm tháng ở chiến khu Việt Bắc… Lật giở lại từng trang sách đã nhuốm màu thời gian (tác phẩm in lần đầu năm 1975), họa sĩ Văn Thơ tự hào cho biết: "Tôi biết nhiều gia đình vẫn gìn giữ cuốn sách này, giữ lại cho các đời con cháu cùng xem và cảm nhận".
Có lẽ với độc giả bao thế hệ của Nhà xuất bản Kim Đồng, những bức tranh vẽ về Bác Hồ của các họa sĩ cũng có sức lay động không kém những áng thơ, lời văn. Bằng tất cả tình yêu, sự kính trọng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, họ - những văn nghệ sĩ, thông qua tác phẩm của mình mà lưu giữ những khoảnh khắc đẹp nhất, tự hào nhất về Người.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.