Theo dõi Báo Hànộimới trên

Về Trà Vinh trải nghiệm nhịp sống miền Tây

Bài và ảnh: Linh Tâm| 23/12/2022 06:19

(HNMCT) - Là tỉnh duyên hải vùng đồng bằng sông Cửu Long, Trà Vinh nằm giữa sông Tiền và sông Hậu nên có hệ thống giao thông đường thủy thuận lợi. Phù sa từ các con sông lớn đã bồi đắp nên những giồng đất màu mỡ, tạo điều kiện để phát triển nông nghiệp và du lịch cộng đồng. Dù phát triển muộn và gặp không ít khó khăn, nhưng các mô hình du lịch cộng đồng tại Trà Vinh lại có nét bài bản, xứng đáng để các địa phương khác học tập.

Người dân cồn Hô phấn khởi chào đón du khách.

Khám phá lối sống miền Tây 

Địa hình Trà Vinh bằng phẳng, có nhiều giồng đất lớn (người dân quen gọi là “cồn”) được hình thành do sự bồi lắng phù sa của các dòng sông. Qua nhiều thế kỷ, từ chỗ chỉ là những giồng cát bỏ hoang, ngày nay, nhiều cồn đã trở thành nơi sinh sống ổn định của người dân với sinh kế chính là trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản gắn với phát triển du lịch; trong số đó có Điểm du lịch cộng đồng sinh thái cồn Chim và cồn Hô.

Được hình thành cách đây hơn 1 thế kỷ, cồn Hô (ấp Mỹ Hiệp A, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long) mới chỉ được người dân đến khai khẩn vào giữa thập niên 1940. Cồn Hô có diện tích 25,5ha, hiện có 23 hộ với hơn 80 nhân khẩu.

Theo ông Huỳnh Văn Nguyên, Tổ trưởng tổ Hợp tác du lịch cồn Hô, tại đây hiện có 8 hộ tham gia mô hình “du lịch tự thân”, tức là các sản phẩm phục vụ khách đều lấy từ vườn nhà, người phục vụ cũng là chủ nhà. Tới đây, du khách cảm nhận được sự chân tình, hiếu khách của người dân; được nhâm nhi tách trà hoa đậu biếc, thưởng thức trái cây hái từ vườn nhà hay các loại mứt dừa, chè bưởi, trà gừng và trải nghiệm ngâm chân thảo dược. Mỗi hộ dân tham gia du lịch với một loại hình trải nghiệm khác nhau. Đặc biệt, vào buổi tối, du khách sẽ được thưởng thức ẩm thực địa phương trong ánh đèn dầu bởi cồn Hô hiện chưa có điện lưới. Người dân sinh hoạt chủ yếu từ nguồn điện năng lượng mặt trời. Đây vừa là khó khăn, vừa là lợi thế để tạo nên sản phẩm du lịch khác biệt. 

Đến Điểm du lịch cộng đồng sinh thái cồn Chim, du khách không khỏi ngạc nhiên trước cách làm du lịch bài bản của người dân. Với mô hình “du lịch thuận thiên”, người dân làm du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường, nuôi trồng thủy sản sạch theo hướng tự cấp tự túc để phục vụ nhu cầu của các gia đình và du khách. Bên cạnh nguồn thu từ nông nghiệp, tại cồn Chim hiện có 10 hộ làm du lịch.

Tương tự như cồn Hô, mỗi gia đình ở cồn Chim lại phát triển một mô hình trải nghiệm khác nhau như: Trải nghiệm không gian Bếp xưa Nam Bộ, thưởng thức nước sâm, nước dừa tươi, mứt dừa, chè dừa non lá dứa đường phèn; làm bánh lá mít, bánh xèo hay chơi các trò chơi dân gian như nhảy lò cò, câu cua... Nhờ biết kết hợp các sản phẩm nông nghiệp gắn với phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái, đời sống của các hộ dân nơi đây được nâng cao rõ rệt. Trung bình mỗi hộ đạt mức doanh thu từ 20 - 30 triệu đồng/tháng.

Hướng tới sự phát triển bền vững

Có thể thấy, du lịch đã “ươm” mầm xanh lên nhiều địa điểm du lịch sinh thái ở Trà Vinh. Nhờ phát triển du lịch cộng đồng dựa vào tài nguyên nhân văn, sinh thái đa dạng và thuận tự nhiên, Trà Vinh đã xây dựng được các sản phẩm du lịch không giống với nơi khác. Các mô hình này đều hướng tới sự phát triển bền vững, làm cho môi trường được cải thiện tốt hơn.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ đồng thời là Tổ trưởng tổ Du lịch cộng đồng cồn Chim chia sẻ: “Chúng tôi được Sở VH,TT&DL tỉnh Trà Vinh quan tâm, định hướng để phát triển du lịch theo hướng bền vững. Theo đó, các hộ dân luôn nhắc nhở nhau giữ gìn vệ sinh đường làng ngõ xóm, bố trí các thùng rác được làm bằng lá tre để du khách bỏ rác đúng chỗ; phân loại và xử lý rác thải đúng quy trình. Rác thải hữu cơ phân hủy được sử dụng làm phân bón rau, cây trái. Ở đây, chúng tôi không dùng các loại phân bón bằng hóa chất để tránh làm ô nhiễm môi trường và nguồn nước. Chúng tôi hiểu rằng, nếu không giữ được môi trường sinh thái trong lành, người dân không thể làm du lịch”.

Mặc dù còn gặp không ít khó khăn nhưng Trà Vinh vẫn hướng tới việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù. Ông Võ Thanh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch tỉnh Trà Vinh cho biết: “Chúng tôi luôn chú trọng việc khai thác lợi thế so sánh, tránh sự trùng lặp về sản phẩm với các nơi khác. Ngành Du lịch tỉnh luôn đồng hành và giám sát chặt chẽ để các hộ dân không đi chệch hướng, làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch chung. Nhờ đó, các điểm du lịch cộng đồng sinh thái như cồn Hô, cồn Chim luôn có sức hấp dẫn riêng, đặc biệt là với du khách quốc tế. Năm 2022, Điểm du lịch cộng đồng sinh thái cồn Hô đón 1.500 - 2.000 khách, cồn Chim đón khoảng 4.000 - 5.000 khách; trong đó, lượng khách quốc tế đến hai điểm này chiếm từ 50 - 70%”.

Cũng theo ông Tuấn, hiện tỉnh đang tập trung hỗ trợ người dân phát triển các loại hình du lịch như homestay, nhà hàng gắn với các sản phẩm đặc trưng của địa phương, hỗ trợ mua sắm phương tiện đường thủy, xây dựng điểm vui chơi giải trí và tăng cường công tác xúc tiến quảng bá nhằm thu hút khách đến cồn Chim, cồn Hô nhiều hơn nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về Trà Vinh trải nghiệm nhịp sống miền Tây

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.