Du lịch

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương: Cơ hội “vàng” cho du lịch Phú Thọ

Mộc Thanh 05/04/2025 12:43

Từ lâu, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (Lễ hội đền Hùng) đã trở thành ngày quốc lễ quan trọng, là dịp để người Việt hướng về nguồn cội, tri ân công đức của các vua Hùng, đồng thời trải nghiệm, khám phá vùng Đất Tổ tươi đẹp.

Hằng năm, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ được tổ chức long trọng với nhiều hoạt động hấp dẫn. Đây cũng là cơ hội “vàng” để Phú Thọ biến tài nguyên văn hóa thành động lực thúc đẩy phát triển du lịch, định vị thương hiệu điểm đến trên bản đồ du lịch Việt Nam.

den-hung.jpg
Lễ rước kiệu trong Lễ hội đền Hùng thu hút đông đảo người dân và du khách. Ảnh: Phương Thanh

Về với nguồn cội

Tháng Ba hằng năm, hàng triệu người dân trên khắp cả nước lại tìm về Khu di tích lịch sử đền Hùng - Di tích quốc gia đặc biệt, nằm trên núi Nghĩa Lĩnh (thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) để tham dự lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, tri ân các vua Hùng đã có công dựng nước.

Khu di tích lịch sử đền Hùng nằm trong khuôn viên rộng gần 1.000ha, trong đó có khoảng 540ha rừng, bao gồm nhiều điểm di tích thờ cúng Hùng Vương như đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, đền thờ Lạc Long Quân, đền Tổ mẫu Âu Cơ, lăng Hùng Vương, đền Giếng... Các di tích được xây dựng hài hòa với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nơi khí thiêng non sông hội tụ.

Đã thành thông lệ, trước ngày chính hội (từ mùng 1 đến mùng 6 tháng Ba), người dân và chính quyền các huyện, thành, thị của tỉnh Phú Thọ lại tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng, lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, lễ dâng hương tưởng niệm Tổ mẫu Âu Cơ.

Vào ngày chính hội (mùng 10 tháng Ba), hàng triệu người dân và du khách cùng hành hương, tham gia lễ rước kiệu của các xã, phường, thị trấn vùng ven khu di tích về đền Hùng. Trong không khí sôi động của dàn nhạc lễ và cờ hoa, kiệu, lọng..., đoàn rước kiệu xuất phát từ dưới chân núi rồi lần lượt qua các đền để tới đền Thượng làm lễ dâng hương lên các vua Hùng.

Với những nghi lễ, phong tục được các thế hệ lưu giữ qua nhiều thế kỷ cùng những giá trị đặc sắc, năm 2012, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trên địa bàn cả nước hiện có 1.417 di tích thờ cúng Hùng Vương, trong đó Phú Thọ có 345 di tích và Khu di tích lịch sử đền Hùng là nơi thực hành nghi lễ đầy đủ, chuẩn mực nhất.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Huy Ngọc: Nhiều năm qua, việc thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương gắn với Lễ hội đền Hùng được tỉnh Phú Thọ tổ chức trang trọng, đầm ấm, vui tươi; được Bộ VHTTDL đánh giá là lễ hội kiểu mẫu của cả nước. Mỗi mùa lễ hội, Phú Thọ luôn nỗ lực để công tác tổ chức được chu đáo, an toàn; với phần lễ trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng sâu sắc và phần hội là các hoạt động có sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa dân gian truyền thống và văn hóa đương đại, tạo sức lan tỏa rộng rãi để thu hút đông đảo đồng bào, du khách về trải nghiệm.

Biến tài nguyên văn hóa thành động lực phát triển

Những giá trị văn hóa đặc trưng của thời đại Hùng Vương là “tài sản” quý báu và là nền tảng để phát triển loại hình du lịch văn hóa tâm linh - một sản phẩm đặc thù của vùng đất Phú Thọ.

“Với định hướng phát triển kinh tế - xã hội dựa vào nền tảng văn hóa vùng Đất Tổ, Phú Thọ chủ trương “biến di sản thành tài sản”, khai thác nguồn tài nguyên văn hóa này trở thành động lực thúc đẩy phát triển du lịch. Những sản phẩm du lịch độc đáo dựa trên nền tảng di sản sẽ là “hấp lực” thu hút du khách đến với vùng Đất Tổ, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Huy Ngọc bày tỏ.

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, muốn xây dựng thương hiệu du lịch đặc trưng phải dựa vào tài nguyên du lịch. Giám đốc Sở VHTTDL Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy cho biết: “So với các tỉnh, thành phía Bắc và cả nước, Phú Thọ có một số sản phẩm đặc trưng, trong đó nổi bật nhất là du lịch văn hóa tâm linh dựa vào các di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và trung tâm thực hành tín ngưỡng là lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức tại đền Hùng. Phú Thọ đã có quy hoạch xây dựng nơi đây trở thành công viên văn hóa tâm linh lớn nhất cả nước, với các nguồn lực đầu tư của Nhà nước và xã hội hóa”.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay của Phú Thọ là đẩy mạnh phát triển du lịch, phấn đấu đưa du lịch trở thành động lực then chốt trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Dịp Giỗ Tổ hằng năm được xem là thời điểm “vàng” để quảng bá du lịch Phú Thọ, thu hút khách du lịch từ mọi miền về với cội nguồn. Thời gian qua, bên cạnh công tác tuyên truyền quảng bá truyền thống, Sở VHTTDL Phú Thọ đã mở 2 lớp tập huấn, phổ biến kiến thức về việc quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội cho các doanh nghiệp lữ hành, điểm đến trên địa bàn tỉnh. Đây là cách cung cấp thông tin về các sản phẩm, tour tuyến để du khách dễ dàng tiếp cận và lựa chọn sản phẩm phù hợp.

Song song với đó, tỉnh cũng đẩy mạnh truyền thông về hình ảnh du lịch Đất Tổ thông qua các giải chạy marathon, bóng đá, bóng chuyền, thu hút sự quan tâm của các vận động viên cũng như du khách trong nước và quốc tế.

Với mục tiêu đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đề ra, những năm qua, Phú Thọ đã từng bước đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, phát triển các sản phẩm đặc trưng như du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe tại Khu suối khoáng nóng Thanh Thủy; du lịch khám phá, trải nghiệm thiên nhiên gắn với tìm hiểu văn hóa bản địa cộng đồng người Dao, Mông tại Vườn quốc gia Xuân Sơn và đồi chè Long Cốc, du lịch thể thao (golf) gắn với khu nghỉ dưỡng 5 sao tại Khu đô thị sinh thái, du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf Tam Nông... Đây là những sản phẩm được xác định mang dấu ấn riêng của Phú Thọ, qua đó góp phần định vị thương hiệu du lịch tỉnh trên bản đồ du lịch Việt.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương: Cơ hội “vàng” cho du lịch Phú Thọ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.