Thời gian đã lùi xa, nhưng với nhiều người dân Sơn Công, “khoán chui” vẫn là câu chuyện “nối đời” về lịch sử chuyển mình của vùng đất trũng này. Chuyện xưa bên thềm xuân Giáp Thìn 2024 nhắc nhớ về ý nghĩa của tinh thần dám nghĩ, dám làm của những người cán bộ, đảng viên trong một thời gian khó.
Cắn răng xé rào...
Sơn Công là xã vùng bãi trũng nằm ở phía Bắc huyện Ứng Hòa. Được phù sa sông Đáy bồi đắp, đất đai màu mỡ, lại có nhiều đầm, hồ..., Sơn Công có điều kiện thuận lợi để phát triển cây lúa nước và chăn nuôi thủy sản, thủy cầm...
“Bờ xôi, ruộng mật” là thế, song Sơn Công từng bị đói. Cụ Đặng Văn Ấn, nay đã 82 tuổi vẫn không quên câu chuyện cách đây gần nửa thế kỷ. “Lúc đó, tôi là Chủ nhiệm HTX Sơn Công. Dân đói nên tôi cùng lãnh đạo xã nghĩ tới phương thức “khoán chui” để xóa đói. Những năm đó, ruộng HTX rơi vào cảnh “cha chung không ai khóc”, lúa cấy không được chăm sóc, năng suất rất thấp, chỉ đạt 2,7 tấn/ha. Vụ chiêm năm 1976, trời rét đậm, mạ gieo chết hàng loạt, nông dân bỏ ruộng, không chịu cấy chỉ vì “ruộng của hợp tác xã”, hơn nửa diện tích bị bỏ hoang. Cả xã chỉ thu hoạch được 180 tấn thóc, chia cho hơn 7.000 khẩu, mỗi người được nhận chả được bao nhiêu...”.
Sau vụ mất mùa, ruộng bỏ hoang, nhiều người bỏ làng đi làm ăn xa, người ở lại rau cháo cầm cự qua ngày. Trước tình hình đó, lãnh đạo xã và HTX bàn cách “xóa đói” cho dân. Nhiều biện pháp được đề ra, nào phân ruộng, giao ruộng..., nhưng đều không đúng quy định. Song, HTX Sơn Công vẫn quyết tâm làm với nguyên tắc đơn giản là “người nào làm thì có ăn, người nào không làm thì chịu đói”... Xã và HTX giao ruộng và khoán sản lượng, một sào HTX thu 80kg thóc, ai thu hoạch hơn thì hưởng nhiều. Các công việc thủy lợi, phân, giống... vẫn do HTX đảm nhiệm. Xã viên nhận mạ về cấy, chăm sóc; công cấy, chăm sóc vẫn được tính điểm, được HTX chi trả. Phần thóc chi trả lấy trong số 80kg/sào nhận khoán. “Ban đầu làm thử, HTX chỉ dám giao mỗi lao động nửa sào ruộng, đội sản xuất lại giao thêm, nên mỗi gia đình nhận khoán từ 2 - 3 sào. Cả xã cũng chỉ dám giao khoán khoảng 10 - 15% diện tích. Năm đó, cứ ruộng khoán là được gieo cấy hết” - cụ Ấn hồi tưởng.
Đến bây giờ, câu chuyện “khoán chui” thời ấy vẫn còn lưu trong trí nhớ nhiều người Sơn Công. Ông Nguyễn Thu Bồn, kế toán HTX Sơn Công năm 1976 - 1977 bổ sung: Vụ “thử nghiệm” giao khoán năm đó được mùa, năng suất lúa lên tới 4,5 tấn/ha. Cả xã vượt qua được cái đói. Năm sau, HTX tăng diện tích khoán lên 20%, năm sau nữa tăng lên 30%, đến cuối năm 1979 lên tới 60 - 70%. “Người dân no ấm. Sơn Công từ một xã khó khăn của huyện Ứng Hòa đã vươn lên mức khá”... Từ kinh nghiệm khoán lúa, HTX Sơn Công bắt đầu khoán chăn nuôi, thủy sản...
Về chuyện “che mắt” cấp trên để thực hiện "khoán chui", cụ Đặng Văn Ấn chia sẻ, thời đó, cứ phải lên huyện họp là cán bộ xã, HTX “chui” hết xuống hàng dưới, lúc nào cũng nơm nớp, sợ bị phạt, bị kỷ luật...
Làm giàu từ đồng đất quê hương
Theo chân cụ Đặng Văn Ấn và lãnh đạo xã thăm những mô hình nông nghiệp của xã Sơn Công, chúng tôi cảm nhận rõ “khoán chui” một thời đã giúp cho Sơn Công giàu lên từ cây lúa, vật nuôi. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Mạnh Cường cho biết, từ chủ trương “khoán chui” đó, Sơn Công có đại biểu Quốc hội là cụ Đặng Văn Ấn. Sơn Công là một trong những nơi đi đầu trong thực hiện “khoán chui”, còn gọi là "khoán quản". May mà thành công, và sau này được công nhận, trở thành xã điển hình” - Chủ tịch UBND xã Sơn Công Nguyễn Mạnh Cường tự hào nói.
Sau khi thành công trong “khoán quản”, xã đã đón nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước về thăm, đặc biệt là Thủ tướng Phạm Văn Đồng về tận nơi để tìm hiểu. Thời điểm đó, tấp nập các đoàn đại biểu trong cả nước cũng tìm về xã để học hỏi kinh nghiệm. Cụ Ấn và một số người trong Ban Chủ nhiệm HTX được mời dự nhiều hội nghị, đến nhiều địa phương để chia sẻ về kinh nghiệm khoán quản.
Tiếp nối truyền thống “bám ruộng”, người dân Sơn Công hôm nay vẫn chịu khó làm giàu từ đồng đất quê hương. Năm 2019, Sơn Công được công nhận là xã nông thôn mới và đang trên lộ trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Điểm nổi bật ở mảnh đất tiên phong “khoán chui” này là đã hình thành vùng lúa chất lượng cao với hơn 700ha. Những mô hình trồng rau an toàn và trồng rau công nghệ cao trong nhà kính ở thôn Vĩnh Thượng, cây ăn quả tại thôn Vĩnh Hạ hay phát triển vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, mô hình nhà màng, nhà kính... đang mang lại sắc màu trù phú cho Sơn Công. Xã có nhiều sản phẩm, như dưa chuột, cải canh, măng tây được xếp hạng OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao...
Trong những ngày đầu năm 2024, gió rét len lỏi vào từng cánh đồng, bờ ao, trang trại, người Sơn Công vẫn chịu thương chịu khó để có mùa vàng bội thu, cho xuân mới Giáp Thìn thêm đủ đầy, hạnh phúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.