Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế, nhất là ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có không ít hợp tác xã hoạt động mang tính hình thức, không đúng mục đích hoặc loay hoay trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…
Vậy, đâu là giải pháp để hợp tác xã phát triển đúng hướng trong cơ chế thị trường?
Theo thống kê, thời điểm hiện tại có hơn 8.400 xã đạt tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới, chiếm hơn 80% tổng số xã trong cả nước. Mặt khác, với 7,05 triệu thành viên là hộ gia đình, chủ yếu ở địa bàn nông thôn và 2,58 triệu lao động, có thể nhận định, kinh tế tập thể, hợp tác xã, mà nòng cốt là hợp tác xã nông nghiệp, đã góp phần không nhỏ bảo đảm an sinh xã hội, tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản… Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và những khó khăn trong tiếp cận chính sách, không ít hợp tác xã đang đối mặt với nhiều thách thức từ thị trường.
Theo Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa) Cao Thị Thủy, để tháo gỡ khó khăn, cần có chính sách riêng đối với hợp tác xã nông nghiệp và phi nông nghiệp. Hiện tại, chính sách hỗ trợ của hợp tác xã nông nghiệp và phi nông nghiệp thiếu tính đột phá, không đủ thúc đẩy hợp tác xã nông nghiệp phát triển.
Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Đức Hậu - Lưu Quang (xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ) Lê Hữu Diện, với 13 thành viên, quy mô sản xuất 7ha, cây trồng chủ lực là bưởi Diễn, song việc tiêu thụ gặp không ít khó khăn cả về giá và đầu ra sản phẩm; việc tiếp cận vốn ưu đãi của hợp tác xã cũng rất hạn chế.
Về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp, kinh doanh, thương mại tổng hợp Dương Liễu (huyện Hoài Đức) Nguyễn Phi Đức cho rằng, để phát triển các hợp tác xã cần có phương án sản xuất, kinh doanh cụ thể, phù hợp với nhu cầu thị trường, tránh tình trạng được mùa, mất giá. Do đó, các cơ quan chức năng cần hướng dẫn một cách khái quát, cụ thể về phương án sản xuất, kinh doanh cho hợp tác xã theo từng ngành hàng.
Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa) Cao Thị Thủy kiến nghị: Các cơ quan chức năng quan tâm đến việc tháo gỡ khó khăn trong giải thể hợp tác xã dừng hoạt động, hoạt động không hiệu quả hoặc không đúng bản chất để tập trung nguồn lực cho các hợp tác xã đang hoạt động hiệu quả.
Để khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển bền vững, việc tháo gỡ khó khăn cho hợp tác xã về tiêu thụ hàng hóa là rất cần thiết. Do đó, các hợp tác xã mong muốn Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tiếp tục và thường xuyên tổ chức các cuộc xúc tiến thương mại để liên kết cung - cầu hàng hóa. Đối với một số hợp tác xã nông nghiệp có cây trồng chủ lực như cam, bưởi… khó tìm đầu ra, thị trường tiêu thụ không ổn định, thì không chỉ hệ thống Liên minh Hợp tác xã vào cuộc, mà cần sự chung tay xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ kịp thời, đúng thời điểm của nhiều cơ quan, đơn vị.
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho biết, vai trò của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã là không thể phủ nhận, nên cần phải nhận định rõ những khó khăn, thách thức từ thực tiễn để thúc đẩy hơn nữa vai trò của khu vực kinh tế này. Để các hợp tác xã tiếp tục đóng góp vào tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, hạn chế tình trạng hợp tác xã hoạt động hình thức, không hiệu quả các tỉnh, thành phố cần đánh giá cụ thể hoạt động của từng hợp tác xã tại địa phương, từ đó có giải pháp hoặc có phương thức giám sát quá trình hỗ trợ hợp tác xã phù hợp, đúng và trúng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.