(HNM) - Vào những ngày này, các cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo thủ công ở các làng nghề truyền thống trên địa bàn Hà Nội đang hối hả sản xuất để kịp giao hàng phục vụ Tết Nguyên đán.
Một cơ sở sản xuất bánh kẹo tại huyện Hoài Đức. Ảnh: Bá Hoạt |
Chuyển động ở làng nghề
Tới thăm cơ sở sản xuất bánh kẹo của hộ bà Trần Thị Xuân, thôn Cổ Hoàng (huyện Phú Xuyên), không khí làm việc ở đây thật khẩn trương. Vừa thoăn thoắt cắt kẹo dồi - công đoạn thủ công quan trọng trong quá trình sản xuất kẹo, bà Xuân phấn khởi cho biết: Năm nay, khách hàng đặt kẹo nhiều nên gia đình tôi phải tăng ca để làm cho kịp trả khách. Bình quân mỗi ngày thường làm 1-1,5 tạ kẹo thì giờ đây năng suất tăng gấp đôi, gấp ba (3,5-4 tạ/ngày), phải thuê thêm công nhân làm các khâu cắt kẹo, đóng gói, nhặt lạc...
Xưởng sản xuất kẹo của hộ bà Xuân tuy nhỏ nhưng rất ngăn nắp, bàn trộn và bàn cắt kẹo được làm bằng inox, kê cao ráo. Đáng nói, tất cả các công nhân làm việc tại đây đều sử dụng đầy đủ dụng cụ bảo hộ lao động.
Qua trao đổi với những hộ làm nghề tại phường Xuân Đỉnh, Xuân Tảo (Bắc Từ Liêm), chúng tôi được biết, tình trạng phơi nguyên liệu bí, cà rốt... lộ thiên, mất vệ sinh đã chấm dứt hoàn toàn. Thay vào đó, gần 20 hộ đã trang bị máy móc, thiết bị hiện đại, chu trình khép kín.
Tại cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo truyền thống Đỗ Thế Gia (phường Xuân Tảo), cả giàn sấy hàng chục tầng, được trang bị máy sấy điện hiện đại, an toàn. Chủ cơ sở này cho biết, các hộ được tập huấn nhiều lần các kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm nên đã thông suốt về tư tưởng. Đặc biệt, qua các buổi hướng dẫn chuyên sâu, các hộ đã đầu tư thiết bị diệt khuẩn, để sau khi sản xuất thành phẩm, bật đèn có tia cực tím diệt vi khuẩn, tránh ẩm mốc và lây lan bệnh.
Kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên
Sản xuất kẹo tại thôn Cổ Hoàng, xã Hoàng Long (huyện Phú Xuyên). Ảnh: Nguyễn Vàn |
Theo ông Chu Đăng Khoa, Trưởng thôn Cổ Hoàng, xã Hoàng Long, thôn hiện có trên 50 hộ sản xuất bánh kẹo thì có 10 hộ đầu tư máy móc, còn lại đều sản xuất thủ công. Tuy nhiên, do được tập huấn, tuyên truyền về giữ vệ sinh môi trường và thực phẩm, hầu hết các hộ đều sử dụng bếp gas để rang nguyên liệu (lạc, vừng, gạo...) và đánh kẹo; lao động trực tiếp làm nghề được khám sức khỏe định kỳ.
Điều đáng nói, các đoàn kiểm tra liên ngành huyện và xã thường xuyên nhắc nhở, xử lý nghiêm...; mỗi sản phẩm đều được đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, bao bì ghi đầy đủ nhãn mác, thời gian sản xuất, hạn sử dụng.
Còn tại làng nghề Thạch Xá (huyện Thạch Thất) chuyên sản xuất chè lam, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán… Việc thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho 20/20 cơ sở sản xuất chè lam được thực hiện nghiêm túc.
Làng bánh mứt kẹo Xuân Tảo, Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm) trước đây có hơn 50 hộ sản xuất. Những năm gần đây, nhiều hộ không trụ nổi do không bảo đảm cơ sở vật chất, vệ sinh an toàn thực phẩm nên nay chỉ còn gần 20 hộ. Và vì thế, các cơ quan chức năng đã giám sát chặt chẽ hơn.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Đỉnh, từ tháng 10-2018, Phòng Y tế quận Bắc Từ Liêm đã yêu cầu các sản phẩm phải được xét nghiệm theo mẫu của Sở Y tế. Các hộ có bản tự công bố chất lượng theo quy định. Việc nhập nguyên liệu phải được chứng minh qua hóa đơn, phiếu thu từ các địa chỉ rõ ràng, uy tín...
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Ngọc Lương, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Tảo, nhờ đẩy mạnh việc kiểm tra, xử lý vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường tập huấn, yêu cầu 100% hộ ký cam kết không phơi mứt bí, cà rốt ra đường... nên đến nay người tiêu dùng đã có niềm tin về chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, do sản xuất mứt có nhiều công đoạn phức tạp, từ khâu sơ chế nguyên liệu đến việc phơi, sấy, tẩm đường nên UBND phường tăng cường kiểm tra, giám sát tại các cơ sở sản xuất.
Gần đây nhất, trong ngày 6, 7 và 8-1-2019, Đoàn kiểm tra liên ngành quận Bắc Từ Liêm đã kiểm tra tất cả cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo trên địa bàn 2 phường Xuân Đỉnh và Xuân Tảo. Kết quả cho thấy, các hộ chấp hành nghiêm quy định về giấy chứng nhận, nguồn gốc thực phẩm, công bố sản phẩm. Một số hộ chưa sắp xếp nguyên liệu gọn gàng, cẩn thận, một số lao động vướng vi phạm nhỏ như sơ chế, cạo rửa nguyên liệu không đeo găng tay và đi ủng, Đoàn kiểm tra đã nhắc nhở và yêu cầu cơ sở giám sát chặt chẽ hơn.
Theo đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội, thời điểm này, lực lượng chức năng bắt đầu triển khai kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, đặc biệt là các cơ sở tập trung tại làng nghề truyền thống, nhằm phát hiện kịp thời vi phạm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.