(HNM) - Nam bộ là vùng đất mới có lịch sử hơn 300 năm. Nhưng chỉ với từng ấy thời gian, cư dân mới đã tạo dựng cho mình những nét văn hóa rất riêng so với các vùng miền khác. Như là ca vọng cổ, là bán trái cây theo số đếm
Cách đây gần 30 năm, nếu ai lần đầu ghé qua các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ... sẽ không bao giờ quên vùng đất có những người dân thật thà và thẳng tính, đầy ắp tình người. Những cánh đồng lúa mênh mông thẳng cánh cò bay, những miệt vườn trái cây trĩu cành, đi cả ngày không hết; vào mùa nước nổi được tận mắt nhìn "lũ trẻ len trâu" mà cảm phục về sự chăm chỉ, sự yêu thương con vật thân thiết với nhà nông. Khi chuẩn bị kết thúc chuyến đi để về nhà, khách ra bất cứ chợ nào mua trái cây làm quà sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi trả tiền mua chục xoài, vú sữa hay măng cụt mà người bán hàng lại bỏ vào giỏ 14, có khi là 16 trái. Người mua tưởng người bán đếm nhầm, nhìn người bán tươi tắn và thản nhiên lại càng nghi ngờ. Vâng, ở vùng đất này, một chục không phải là 10 như ở miền Trung hay miền Bắc mà là 14, có nơi là 16. Và, khi biết chục là vậy thì những ai trót mặc cả lại tự thấy "mắc cỡ" không chừng... Trong chuyện mua bán này, tiền chỉ mang tính tượng trưng; điều quan trọng là người bán trao gửi sản vật cùng tấm lòng quê hương họ cho du khách, đó cũng là lời mời hãy trở lại miền Tây.
Thế nhưng, bây giờ "chục" đã là... 10.
Nếu ai có dịp về Trà Vinh, Sóc Trăng hay những vùng đất có bà con Khơ Me sinh sống, vào mùa khô hoặc mùa mưa, nếu thấm mệt, có thể ghé vào nhà Mát uống bát nước mưa, có thể ngả lưng trên tấm phản rồi tự nhiên ăn trái chuối chín mà chủ nhân treo cả buồng trên vách. Hết mệt lại đi tiếp và mệt lại ghé vào nhà Mát ven đường. Nhà Mát là gian nhà bình thường, do bà con người Khơ Me dựng lên, bất cứ ai đi qua đều có thể dừng chân và không phải trả tiền. Ở đâu có bà con dân tộc Khơ Me là ở đó có nhà Mát. Bây giờ nhà Mát không còn nữa. Mới đây, một người đàn ông khá giả ở Trà Vinh đã dựng nhà Mát trên đất nhà anh để... đỡ nhớ.
Về miền Tây, đặc biệt là các vùng sâu mà không được nghe vọng cổ thì phí nửa chuyến đi. Chiều chiều, các ông già tóc búi trên đỉnh đầu đi làm ruộng về bắc chiếc ghế đẩu ra đầu ngõ kéo nhị và ca vọng cổ, bên cạnh bao giờ cũng có xị đế và con chó mực. Tiếng ca buồn buồn hòa với tiếng nhị bay lên khoảng không mênh mông truyền ra bốn phương và không bao giờ dội lại. Đó là Nam bộ.
Cuộc sống thay đổi, lấn át văn hóa, nhà Mát mất dần vì người dân đi xe máy nên không mệt, không cần nhà Mát nữa. Sự lạnh lùng của cơ chế thị trường làm kiểu bán trái cây theo "chục Nam bộ" biến mất; băng đĩa đủ loại tràn ngập chợ quê khiến giọng ca của ông già Nam bộ không còn là đặc sản. Cuộc sống là vậy, có nét văn hóa rất đẹp mất đi, những nét văn hóa khác xuất hiện. Song, với nhiều người từng đến miền Tây thuở trước, giờ quay lại, thấy thiêu thiếu thế nào…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.