Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vang mãi bản hùng ca Chicago

Vân Khanh| 30/04/2012 06:30

(HNM) - Đã 126 năm trôi qua, năm nào Ngày Quốc tế Lao động 1-5 cũng được nhân dân lao động trên toàn thế giới chào đón như một ngày hội lớn. Đây là dịp để người lao động toàn cầu cùng chia sẻ, ý thức và thụ hưởng các quyền, nghĩa vụ với thành quả làm việc của mình.


Những người công nhân quả cảm Chicago đã làm nên tinh thần bất diệt của Ngày Quốc tế Lao động 1-5.

Không phải đến lúc này những thế hệ đi sau mới tưởng nhớ tới những nỗ lực đấu tranh không mệt mỏi, thậm chí đã phải trả bằng máu của hàng trăm ngàn công nhân Chicago để đòi được "8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi" vào ngày 1-5-1886 bi tráng ấy. Thế nhưng, có lẽ không có thời điểm nào thích hợp hơn để tinh thần quả cảm bất diệt của những người thợ bình thường tại nước Mỹ được vinh danh và tỏa sáng như lúc họ đã làm nên lịch sử. Đúng ngày này 126 năm trước, hàng trăm công nhân đã ngã xuống trong các cuộc đàn áp dã man của giới chủ, nhiều thủ lĩnh công đoàn đã phải trả giá cho cuộc nổi dậy mạnh mẽ của giới cần lao bằng những tháng năm trong lao tù. Dẫu vậy, tấn thảm kịch từ Chicago đã chính thức mở ra một trang sử mới với người lao động trên toàn thế giới. Từ những người làm công chỉ biết tuân thủ và thụ động, quần chúng lao động đã dám đứng lên đấu tranh vì quyền lợi của chính mình. Điều này không chỉ đơn thuần là những nỗ lực tự phát mà quan trọng hơn, đã phản ánh sự chuyển đổi của nhận thức để tạo nên một cuộc cách mạng về lao động và tư tưởng.

Trải qua nhiều biến động của lịch sử, sự phát triển của các hình thái xã hội cũng đã hình thành nên những tầng lớp lao động kiểu mới. Lực lượng công nhân lao động dần được nhìn nhận và giành được chỗ đứng như một thành phần không thể thay thế làm ra của cải vật chất cho xã hội.

Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là đã hết những vấn đề liên quan đến người lao động. Ngược lại, sự phát triển không đồng đều của các nền kinh tế, thậm chí là trong nội tại của từng nền kinh tế luôn có những tác động trực tiếp đến quyền lợi và cuộc sống của người lao động. Không tổ chức những cuộc biểu tình đòi giảm giờ làm như công nhân Chicago năm nào, người dân không ít quốc gia trên thế giới thời gian qua đã liên tục xuống đường để đòi được có việc làm. Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ khủng khiếp nhất suốt hơn nửa thế kỷ qua, việc làm đã và đang trở thành một trong những thách thức nghiêm trọng nhất với nhiều chính phủ. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã phải sử dụng khái niệm "khủng hoảng việc làm" để gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng thất nghiệp trên toàn cầu hiện nay. Theo ước tính, thế giới có tới hơn 200 triệu người vẫn phải sống mà không tìm được việc làm. Đó là chưa kể tới những người phải chấp nhận các công việc không ổn định hay bán thời gian. Đáng buồn nhất là, trong một thế giới việc ít người nhiều như hiện nay, giới trẻ đã trở thành nạn nhân nghiêm trọng nhất của các vụ phá sản, thu hẹp kinh doanh, sa thải nhân công của hàng loạt công ty từ lớn đến nhỏ trên phạm vi toàn cầu (80 triệu thanh niên đang phải dựa vào trợ cấp xã hội).

Mang đến những gam màu tươi mới cho bức tranh việc làm xám xịt toàn cầu hôm nay là nhiệm vụ khó khăn nhất trong điều kiện nền kinh tế thế giới đang bước chập chững để tiến tới hồi phục trong thời hậu khủng hoảng. Với nhịp độ tăng trưởng kinh tế chậm chạp như hiện nay, thế giới đang đứng trước nguy cơ không hoàn thành "nhiệm vụ" khôi phục 30 triệu chỗ làm đã biến mất trong cơn suy thoái từ 4 năm trước. Trong cuộc suy thoái của thị trường lao động, không chỉ các quốc gia đang phát triển được ghi danh như thường lệ, thất nghiệp đã thành nỗi ám ảnh và chất thêm gánh nặng bất thường lên hàng loạt nền kinh tế phát triển. Ngoài Mỹ phải chật vật hạ thấp tỷ lệ người không việc từng lên tới kỷ lục gần 9%, cơn bão nợ công đã cuốn nhiều nước Châu Âu vào vòng xoáy thất nghiệp chưa từng có. Không khó để dẫn ra những số liệu đáng giật mình như thất nghiệp tại Tây Ban Nha ở mức 19,7%, Hy Lạp 18,5%, Bồ Đào Nha 13,35%, Pháp 8,15%... Khi "thắt lưng buộc bụng" vẫn đang là phương thuốc cứu nguy tại Lục địa già, tình trạng phát triển chậm dần tại các quốc gia mới nổi không được cải thiện, các nền kinh tế đầu tàu như Mỹ, Nhật Bản... chưa tìm được tăng trưởng như mong muốn thì, đến cuối năm 2012, rất có thể thêm 20 triệu lao động nữa sẽ mất việc và năm 2013, danh sách mất việc toàn cầu sẽ ghi tên thêm 40 triệu người.

Do vậy, Ngày Quốc tế Lao động 1-5 năm nay mang một ý nghĩa sâu sắc và đặc biệt. Cho dù đang phải đối diện với những khúc mắc khác biệt so với thời điểm bản anh hùng ca Chicago cất lên năm 1886, nhưng có một chân lý không thay đổi rằng người lao động đã và tiếp tục khẳng định vai trò trong xã hội hiện đại. Nhành cẩm chướng đỏ được xem như biểu tượng của ngày 1-5 khi những người tham gia diễu hành kỷ niệm sự kiện này năm 1890 mang trên áo như vẫn lan tỏa hương thơm của nhiệt huyết đấu tranh, niềm say mê công việc, tiếp sức cho người lao động hôm nay niềm tin vào tương lai.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vang mãi bản hùng ca Chicago

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.