Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Vàng đen” có còn là thế lực?

Vân Khanh| 01/12/2014 06:38

(HNM) - Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela với khuôn mặt bừng bừng giận dữ bước ra khỏi phòng họp báo hiệu sự thất bại của đề xuất cắt giảm sản lượng trong cuộc họp của Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

OPEC không nhất trí cắt giảm sản lượng dầu trong cuộc họp tại Vienna (Áo).



Vậy là chỉ tính từ tháng 6, giá dầu đã mất tới 35% giá trị. Với những "bậc đàn anh" giàu có của OPEC như Saudi Arabia, Kuwait hay Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) thì thiệt hại "còn đỡ". Nhưng với đa số các thành viên khác của tổ chức này, vốn cần dầu thô ở mức giá trên 80 USD/thùng để cân bằng ngân sách, thậm chí có nước xây dựng nguồn thu ngân khố ở mức giá trên 100 USD/thùng thì sự giảm giá chóng mặt của "vàng đen" khiến họ đứng ngồi không yên. Việc các đối tác trong OPEC "ông chẳng bà chuộc" ngay trong thời điểm cần sự đồng thuận để vực dậy giá dầu cho thấy ngay trong nội bộ của tổ chức này đã có sự khác biệt lợi ích. Với Saudi Arabia và một số quốc gia vùng Vịnh vốn "rủng rỉnh" tiền bạc trong ngân khố và chi phí khai thác nguồn lợi "trời cho" khá rẻ thì việc giá dầu có xuống thấp hơn nữa cũng chưa "bõ bèn" gì. Tuy nhiên, những quốc gia kém "may mắn" hơn trong OPEC thì mong điều ngược lại để có thể cứu vớt nguồn ngân sách đang rơi thẳng đứng. Có điều, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện tại, nếu làm vậy thì nguy cơ OPEC bị mất thị phần vào tay những quốc gia nằm ngoài tổ chức này lại khá cao. Đặc biệt, khi cuộc cách mạng khí đốt và dầu đá phiến của Mỹ được cho đã mở đầu một thời đại dầu giá rẻ mới thì thế thượng phong của Saudi Arabia phần nào bị đe dọa. Do đó, bằng tiềm lực của mình, quốc gia vùng Vịnh dường như đang chơi một ván bài lớn để buộc các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ phải "chùn bước" bởi sự xuống thấp của giá dầu.

Tuy nhiên, chưa thấy có dấu hiệu nào cho thấy Washington sẽ từ bỏ chiến lược độc lập về năng lượng. Trong 3 năm qua, sản lượng dầu đá phiến của xứ Cờ hoa tăng 60% giữa lúc lượng nhập khẩu dầu thô của cường quốc số 1 thế giới đã giảm đi 3 lần kể từ năm 2007. Việc tự chủ về năng lượng không chỉ giảm thiểu những rủi ro đến từ sự gián đoạn nguồn cung ở bên ngoài mà còn mang lại nhiều thay đổi trên bàn cờ chính trị quốc tế. Từ một nhà nhập khẩu khổng lồ, Mỹ giờ đã dần trở thành nhà cung cấp đầy tiềm năng. Những thùng dầu đá phiến được khai thác ở khu vực trước kia con người không thể tiếp cận đã mang đến cho Mỹ một hình ảnh "lộng lẫy" sau khi bị lu mờ ít nhiều bởi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Nhờ đó, Washington có ưu thế hơn trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran hay giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine với Nga, hai quốc gia phụ thuộc rất lớn vào giá năng lượng. Doanh thu xuất khẩu dầu của Iran theo tính toán đã giảm khoảng 30% trong khi Tehran cần đạt tới mức giá kỷ lục 143 USD/thùng để có thể giữ ngân sách quốc gia ổn định. Với Mátxcơva, mọi biến động dù nhỏ nhất của dầu thô đều trực tiếp tác động đến xứ sở Bạch dương khi xuất khẩu năng lượng đóng góp một nửa ngân sách của chính phủ và 1/4 GDP. Vì thế, giá dầu thấp chắc chắn sẽ gây ra những sang chấn tất yếu đối với nền kinh tế Nga hiện đang phải căng mình đối phó với các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Vì vậy, ngay khi giá "vàng đen" lao dốc mà không xuất phát từ những điều chỉnh tự nhiên của thị trường, đã có nhiều lời đồn đại liên quan đến mối nghi ngờ rằng việc dầu thô bị "dìm giá" có nguồn gốc chính trị sâu xa.

Dù một trật tự mới trên bản đồ "vàng đen" toàn cầu đang được thiết lập nhưng có một thực tế là thế giới vẫn chưa thoát khỏi sự chi phối của một nền chính trị dầu mỏ đã ngự trị lâu nay. Dầu thô hiện vẫn là một công cụ quan trọng không chỉ tác động đến nền kinh tế thế giới mà còn định hình các mối quan hệ quốc tế. Gây áp lực với một số quốc gia này nhưng lại mang đến lợi thế cho các quốc gia khác, giá dầu rõ ràng không chỉ đang là trọng tâm của một cuộc chiến giá cả mà còn phản ánh một cuộc chiến quyền lực trên toàn cầu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Vàng đen” có còn là thế lực?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.