(HNM) - Mùa bóng trước, những Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hữu Thắng được coi là Người hùng trên băng ghế huấn luyện. Thậm chí đã có người ví họ là sự thay thế xứng đáng các bậc tiền bối nổi tiếng. Nhưng mùa bóng này, họ đã phải trải qua những giai đoạn cực kỳ khó khăn trong nghề huấn luyện.
Đỉnh cao
Nghiệp cầu thủ của Lê Huỳnh Đức và Nguyễn Hữu Thắng thì khỏi phải bàn. Dấu ấn của cả hai đậm nét ở mỗi đội bóng mà họ thi đấu. Cái chất thủ lĩnh hiện rõ mồn một, đến độ nhắc đến Sông Lam Nghệ An là nhắc đến Nguyễn Hữu Thắng, nhắc đến CA TP Hồ Chí Minh phải kể đến Lê Huỳnh Đức đầu tiên. Lúc ấy, nếu ai nhắc đến việc họ trở thành HLV một đội bóng nào đó trong tương lai cũng là chuyện bình thường. Quả thực sau đó, họ đều chọn nghiệp HLV. Nguyễn Hữu Thắng gắn với Sông Lam Nghệ An trong khi Lê Huỳnh Đức phải ra Đà Nẵng lập nghiệp sau khi bị quy là cầm đầu nhóm "quyền lực đen" ở CLB Ngân hàng Đông Á (tiếp quản CLB CA TP Hồ Chí Minh). Ở Sông Lam Nghệ An, Nguyễn Hữu Thắng vào nghiệp HLV sớm hơn Lê Huỳnh Đức nhưng cũng gặp không ít trắc trở. Sau khi bị điều tra vì có liên quan đến vụ "mua cúp" vô địch năm 2004 (đưa tiền để cầu thủ đội khác thi đấu hết mình), Nguyễn Hữu Thắng phải rời xa nghiệp HLV một thời gian dù ngay trong năm đầu làm HLV, cựu trung vệ đội tuyển quốc gia này đã tỏ rõ tài năng.
Mùa giải 2009, ông bầu Đỗ Quang Hiển cùng lúc có được Lê Huỳnh Đức và Nguyễn Hữu Thắng ở những đội bóng mà ông có tiếng nói quyết định - SHB Đà Nẵng và T&T Hà Nội. Lê Huỳnh Đức đồng hành với SHB Đà Nẵng ngay từ đầu mùa giải 2009 trong khi phải nửa sau mùa giải 2009, Nguyễn Hữu Thắng mới có mặt ở T&T Hà Nội - lúc ấy đang sa lầy ở nhóm cuối, lại mới chia tay HLV Triệu Quang Hà. Ngay trong mùa giải này, cả 2 đều có điều kiện tốt nhất để đưa CLB vươn xa. Tiền không thiếu, lực lượng cầu thủ lại dày dặn trong khi quyết tâm của lãnh đạo cao ngùn ngụt. Cộng thêm cái uy của mình nên cả Huỳnh Đức và Hữu Thắng đều khiến những đội bóng mà họ huấn luyện cùng đồng lòng hướng về một phía. Đà Nẵng đoạt chức vô địch mà có cảm giác như họ không có đối thủ. T&T Hà Nội lội ngược dòng ở lượt về để trở thành đội bóng đạt nhiều điểm nhất và cuối mùa lọt vào top 3, điều không ai dám nghĩ đến sau khi kết thúc lượt đi. Làm được ngần ấy việc, nhất là chuyện vực dậy T&T Hà Nội của Nguyễn Hữu Thắng, bảo sao những lời ca ngợi không đến với họ.
Nốt trầm
Nếu so với những gì họ làm được ở mùa bóng 2009 thì quả là thành tích ở mùa 2010 đến giờ này quá khiêm nhường. Ở Đà Nẵng, Lê Huỳnh Đức không còn thể hiện được tài cầm quân khi lực lượng cầu thủ chủ chốt thay nhau chấn thương hoặc mệt mỏi do phải liên tục căng mình trên nhiều giải đấu. Lối tấn công biên sắc sảo giờ nhạt nhòa để rồi cả đội vẫn phải trông đợi vào tài năng của "thần tài" G.Merlo. Thậm chí sự nhạt nhòa của các học trò Lê Huỳnh Đức nhiều lúc đã khiến khán giả phải đặt dấu hỏi về động lực thi đấu của họ. Càng lúc SHB càng rời xa ngôi vô địch để rồi giữa tuần qua chính thức trở thành "cựu vương" vì không thể bắt kịp điểm số với T&T Hà Nội.
Trong khi đó, Nguyễn Hữu Thắng tưởng như sẽ gắn mình với T&T Hà Nội thêm một mùa giải nhưng cuối cùng đã quyết định trở lại Sông Lam Nghệ An để thỏa chí, để đi tiếp con đường dang dở trước đây. Ngoài ra, việc Sông Lam Nghệ An không còn vướng víu nỗi lo cơm áo gạo tiền cộng với thách thức đưa đội bóng quê hương tìm lại hào quang xưa đã khiến Nguyễn Hữu Thắng quyết định gắn mình với Sông Lam Nghệ An. Tuy vậy con đường đã không còn bằng phẳng, Sông Lam Nghệ An không còn chất thép, sự sắc sảo như mùa trước. Nguyễn Hữu Thắng trổ hết tài nhưng cũng không thể đưa đội bóng theo quỹ đạo mong muốn và giờ đây Sông Lam Nghệ An vẫn ở nửa cuối bảng xếp hạng.
Có người đã giải thích rằng những người như Lê Huỳnh Đức hay Nguyễn Hữu Thắng chưa thành công ở mùa giải này cũng là lẽ thường và mùa này vận của họ chưa đến. Nhưng người trong nghề lâu năm lại có cái nhìn khác về bản lĩnh và kinh nghiệm huấn luyện của bộ đôi này. Không phải ai cũng có thể trở thành HLV giàu thành tích dù tố chất tốt mấy chăng nữa. Nhưng dù sao họ còn trẻ, còn nhiều cơ hội để khẳng định. Cứ xem họ xử lý đoạn cuối mùa này thế nào?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.