(HNM) - Sau gần 3 năm thực hiện Luật Công chứng, ngoài 9 văn phòng công chứng (VPCC) Nhà nước, trên địa bàn Hà Nội hiện có 42 VPCC tư. Phát triển quá nhanh trong khi thiếu sự điều chỉnh kịp thời từ phía cơ quan quản lý nhà nước khiến hoạt động này bộc lộ nhiều bất cập.
Một số bạn đọc đã gửi ý kiến đến Báo Hànộimới nêu những biện pháp quản lý hiệu quả đối với hoạt động của các VPCC tư...
Tạ Đình Phong (phường Việt Hưng, Long Biên)
Thiết lập hệ thống kết nối liên thông
Theo quy định, mỗi VPCC chỉ cần có một công chứng viên (CCV) là đủ điều kiện pháp lý để thành lập. Điều này dẫn đến nhiều bất cập bởi khi xảy ra sự cố như CCV đi vắng, đau ốm, bận việc... mọi hoạt động của VPCC đều phải đình lại vì không có người giải quyết. Mặt khác, trong điều kiện công nghệ cao hiện nay, việc làm giả các loại con dấu, giấy tờ, chữ ký... rất tinh vi, xác định được thật - giả là không dễ, ngay cả với những người có chuyên môn. Trường hợp VPCC có vài CCV thì việc hỗ trợ nhau còn dễ, nhưng với những VPCC chỉ có duy nhất một CCV thì trong các trường hợp phức tạp, cần tư vấn rất khó. Vấn đề mấu chốt là cần lập hệ thống kết nối liên thông giữa các VPCC, khi phát hiện các trường hợp hồ sơ có dấu hiệu khả nghi, các CCV có thể kiểm tra ngay trên hệ thống này.
Nguyễn Xuân Quang (đường Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân)
Lệ phí công chứng, mỗi nơi một kiểu
Tôi thường phải đến các VPCC và thấy mỗi VPCC có một mức phí khác nhau. Lý do là ngoài việc áp dụng thu phí công chứng theo mức do Nhà nước quy định, VPCC còn được thỏa thuận thu thêm phí dịch vụ ngoài hợp đồng đối với khách hàng. Do phần lớn VPCC tư đều treo biển "Sở Tư pháp Hà Nội" bên trên tên riêng của VPCC nên nhiều người cứ tưởng giá công chứng là mức giá chung do Nhà nước quy định. Để hút khách và tăng tính cạnh tranh, có VPCC còn treo biển "hạ giá dịch vụ công chứng" (?). Đã đến lúc Bộ Tư pháp cần sớm ban hành khung phí dịch vụ thống nhất để chấm dứt tình trạng "loạn" giá tại các VPCC tư...
Nguyễn Thị Tuyết (Công ty TNHH Nhất Trí Thành, Hà Nội)
Cần nâng cao nghiệp vụ cho công chứng viên
Mấy năm trước, mỗi khi có việc phải đến công chứng hồ sơ tài liệu tại các VPCC nhà nước, tôi rất ngại vì phải chờ đợi, xếp hàng có khi cả ngày mới đến lượt, còn muốn làm nhanh thì phải chi cho "cò"... Từ khi các VPCC tư được mở ra, tình trạng quá tải tại các VPCC không còn nữa nhưng chất lượng hoạt động của các VPCC tư lại có nhiều vấn đề phải bàn. Do thành lập ồ ạt, một số VPCC tư bố trí cả những sinh viên mới ra trường giải quyết công việc nên kinh nghiệm thẩm định hồ sơ, giấy tờ rất hạn chế. Mặt khác, để tăng sức cạnh tranh, tình trạng "ém" thông tin theo kiểu mạnh ai nấy làm giữa các VPCC tư diễn ra phổ biến... Trong khi chờ các cơ quan chức năng có biện pháp quản lý hoạt động của các VPCC, điều quan trọng lúc này là thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho các CCV.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái (quận Hà Đông)
Sớm khắc phục tình trạng "chéo ngoe" giữa các VPCC
Các VPCC không có mạng liên kết để chia sẻ thông tin, không có cơ sở dữ liệu chung để kiểm soát tình trạng hợp đồng... dẫn đến nhiều trường hợp một hợp đồng mua bán nhưng có tới 2 VPCC ký xác thực. Thêm vào đó, việc bố trí địa điểm các VPCC hiện rất bất hợp lý. Trong khi có huyện ngoại thành như Sóc Sơn còn chưa có VPCC tư thì chỉ riêng 2 quận Đống Đa, Cầu Giấy lại tập trung tới 14 VPCC tư, dẫn đến tình trạng nơi thừa nơi thiếu. Tuy cùng là cơ quan công chứng, nhưng ở VPCC tư và PCC nhà nước, trách nhiệm của CCV có sự phân biệt rõ rệt. Nếu CCV tại các PCC nhà nước có sai sót thì cùng lắm chỉ bị phạt hành chính hoặc chuyển công tác, còn CCV ở VPCC tư phải trực tiếp bỏ tiền bồi thường hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Chính vì trách nhiệm và mức độ rủi ro lớn nên cơ quan chức năng cần có quy định cụ thể nhằm khắc phục tình trạng "chéo ngoe" kể trên, đồng thời tạo điều kiện để CCV được mua bảo hiểm nghề nghiệp, qua đó giúp đội ngũ lao động đặc thù này yên tâm công tác, nâng cao chất lượng phục vụ người dân...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.