(HNM) - Ngày 29-11, tại tỉnh Ninh Bình, Ủy ban Bảo vệ môi trường (BVMT) lưu vực sông Nhuệ - Đáy đã tổ chức hội nghị lần thứ 5 nhằm bàn thảo, đưa ra những giải pháp thiết thực giải quyết các vấn đề bức xúc về môi trường mang tính liên vùng.
Thanh niên tình nguyện thu gom xử lý rác thải trên tuyến hành lang thoát nước dọc hai bờ sông Nhuệ. (Ảnh: Đình Trân/TTXVN) |
Đề án tổng thể BVMT lưu vực sông Nhuệ - Đáy được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 31-8-2008. Trong nhiệm kỳ thứ nhất (giai đoạn 2009-2012), với nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trên lưu vực, việc triển khai đề án đã đạt một số kết quả bước đầu. Nhận thức của các địa phương về trách nhiệm BVMT được nâng lên. Nhiều chương trình hành động được triển khai, từng bước làm giảm ô nhiễm môi trường nước. Đến tháng 11-2013, trên toàn lưu vực đã có 37/43 cơ sở được chứng nhận hoàn thành việc xử lý triệt để ô nhiễm môi trường theo quy định, chiếm hơn 86%; trong đó, Hà Nội có 22/23 cơ sở, Ninh Bình 8/8 cơ sở, Nam Định có 4/6 cơ sở, Hòa Bình 1/2 cơ sở, Hà Nam 2/4 cơ sở. Hiện còn 6 cơ sở chưa hoàn thành việc xử lý ô nhiễm môi trường theo quy định.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và cải thiện môi trường (Tổng cục Môi trường), tiến độ triển khai đề án tại hầu hết các tỉnh, thành phố và bộ, ngành vẫn còn chậm, chưa đạt được các mục tiêu đề ra. Ô nhiễm môi trường nước trên lưu vực sông vẫn gia tăng, cá vẫn chết hàng loạt ở Hà Nam và Ninh Bình. Nguyên nhân là do hoạt động của Ủy ban BVMT lưu vực sông Nhuệ - Đáy còn hạn chế, chưa giải quyết được các vấn đề môi trường cụ thể, đặc biệt các vấn đề bức xúc về môi trường mang tính liên vùng. Nguồn lực đầu tư cho quản lý, BVMT tại các địa phương còn hạn chế...
Nhằm triển khai hiệu quả Đề án giai đoạn 2013-2015, ông Mai Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam - Chủ tịch Ủy ban BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đề nghị các địa phương cần bố trí kinh phí thỏa đáng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình xử lý nước thải, chất thải tại các khu đô thị, khu công nghiệp và cụm công nghiệp đi đôi với tăng cường công tác giáo dục, nâng cao nhận thức về BVMT cho người dân sinh sống trên lưu vực sông. TP Hà Nội cùng các tỉnh Hòa Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình sớm hoàn thiện đề án thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải, chia sẻ thông tin phục vụ kịp thời cho công tác quản lý nhà nước về BVMT. Ủy ban BVMT lưu vực sông Nhuệ - Đáy cũng đề xuất với Bộ Tài chính tăng 2% kinh phí cho sự nghiệp môi trường thay vì 1% như hiện nay. Bên cạnh đó huy động nguồn vốn từ ngân sách địa phương kết hợp với nguồn vốn xã hội hóa đầu tư cho công trình xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường tại các làng nghề; thu gom, xử lý nước thải từ các đô thị loại II trở lên. Cải thiện và phục hồi môi trường ở một số khu vực bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu. Các địa phương phải cùng chung tay, coi đây là nội dung quan trọng, không thể tách rời trong thực hiện chiến lược phát triển KT-XH.
Giải pháp thiết thực BVMT lưu vực sông là phải khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường từng đoạn sông cụ thể; đồng thời, tăng cường, giám sát chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn các dự án đầu tư trong việc "giải cứu" 2 con sông này. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến nhấn mạnh. Đây là đề án tổng thể có tính liên vùng, liên ngành, do đó, để đạt được mục tiêu phải có sự phối hợp liên ngành, liên vùng một cách thống nhất và đồng bộ.
Lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy có tổng diện tích 7.665km2, giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển KT-XH của 5 tỉnh, thành phố, bao gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và Hòa Bình. Năm 2013, TP Hà Nội đã tích cực triển khai thực hiện các chương trình, dự án đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy. Trong đó, có các dự án đầu tư xử lý chất thải rắn; xử lý nước thải khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên lưu vực; xử lý nước thải sinh hoạt và làng nghề; đầu tư cải tạo nạo vét, cải tạo hệ thống thủy lợi, dự án thoát nước liên quan đến sông Nhuệ - Đáy. Tăng cường kiểm tra, xử lý, kiên quyết không để xảy ra tình trạng lấn chiếm hành lang sông Nhuệ - Đáy… |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.