Theo dõi Báo Hànộimới trên

Văn nghệ sĩ Thủ đô luôn tiên phong, dấn thân trong sáng tạo!

Hải Giang| 10/09/2020 11:22

(HNMCT) - Nhà thơ Bằng Việt quê xứ Đoài, là gương mặt tiêu biểu của thế hệ thơ chống Mỹ, đồng thời là tác giả có nhiều đóng góp cho văn học nghệ thuật (VHNT) trong hơn 30 năm đổi mới của đất nước. Hà Nội với ông là “thành phố của đời mình”, nơi ông từng kinh qua nhiều vị trí công tác trong hơn nửa thế kỷ, từ một đại biểu dân cử thâm niên đến cán bộ quản lý và tổ chức sáng tác của lực lượng văn nghệ sĩ.

Mới đây, nhà thơ Bằng Việt đã có những chia sẻ sâu sắc với Hànộimới Cuối tuần về lực lượng văn nghệ sĩ và dòng chảy VHNT Thủ đô suốt một chặng dài, nhất là thời điểm trước và sau Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

- Thưa nhà thơ, ông nhận định thế nào về lực lượng sáng tác của VHNT Hà Nội nói chung cho đến nay?

- Lâu nay, những khái niệm vẫn lưu truyền về sĩ phu Bắc Hà, kẻ sĩ Thăng Long đã nổi tiếng cả nước, đủ thấy vị thế và truyền thống lâu đời của giới trí thức Thăng Long - Hà Nội. Không ngạc nhiên khi trên mọi lĩnh vực, Hà Nội đều thu hút nhiều người tài. Lực lượng văn nghệ sĩ trong Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội cũng vậy, nói như nhà thơ Huy Cận thì môi trường này quả đúng như một vườn ươm nhân tài sáng tạo rộng lớn và đầy tiềm năng cho nhiều thế hệ văn nghệ sĩ Thủ đô. Cho đến nay,  Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội có khoảng 4.000 hội viên, thuộc 9 chuyên ngành. Tỷ lệ hội viên các hội chuyên ngành trung ương đồng thời có “hội tịch” Hà Nội cũng áp đảo, như Hội Nhà văn Hà Nội có trên 50% là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Các chuyên ngành khác thường có 50 - 70% hội viên của Hà Nội là hội viên các hội chuyên ngành trung ương. Vì vậy, có thể nhìn lực lượng VHNT Hà Nội như một lực lượng văn nghệ sĩ mang tầm vóc cả nước...

- Vâng, tức là như Giáo sư Phong Lê từng nói “Người của Hà Nội, văn cho cả nước”? Ông ấn tượng với những tác phẩm VHNT nào trong thời gian gần đây?

- Đúng vậy, văn nghệ sĩ Thủ đô không phân biệt tuổi tác, giới tính, đều có ý thức cao vun đắp cho sự hội tụ, kết tinh và lan tỏa văn hóa của cả vùng đất kinh đô. Ý thức ấy rất mạnh mẽ gần như một tâm thức, hình thành tâm huyết lớn trong lao động sáng tạo, trong các sáng tác đón chào thời điểm Thủ đô chạm mốc son nghìn tuổi. Và tinh thần đó vẫn còn tiếp diễn trong một thập niên qua. Đối với những đề tài cả nước quan tâm như lịch sử đất nước, chiến tranh cách mạng, Thủ đô đổi mới và hội nhập... thì văn nghệ sĩ Hà Nội luôn giữ trong mình ý thức tiên phong, dấn thân. Họ thấy rõ mình đang ở vị trí trung tâm đổi mới, nên tác phẩm cần thể hiện tính khám phá, tính mở đường...

Nói riêng về văn học, tôi từng đặt vấn đề văn học “hậu nghìn năm” sẽ như thế nào? Lịch sử nghìn năm Thủ đô đã là cái nền vững chắc để văn học không ngừng vươn tới cả bề rộng, chiều sâu, trong đó 10 năm gần đây có sự nối tiếp chặt chẽ 10 năm trước với các tác phẩm tiêu biểu của các nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải... Bên cạnh đó, phải kể đến “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” được hoàn thành trong 2 giai đoạn, từ năm 2006 - 2019 với trên 150 đầu sách thuộc 6 mảng đề tài khác nhau mà trong đó, văn hóa và VHNT chiếm một vị trí khá ấn tượng.

Gần đây nhất, tôi chú ý tới tác phẩm Phố Hoài - tiểu thuyết của nhà văn Trần Thị Trường với tâm trạng chia sẻ, trải nghiệm chín chắn và trách nhiệm công dân của người trong cuộc... Rồi Mùa khát của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến gói ghém hiểu biết sâu sắc của bản thân tác giả với cuộc sống và con người Hà Nội từ hơn chục năm trở lại đây trong sự vận động đi lên của thành phố, đặc biệt là những đổi thay trong đời sống tinh thần của lớp trẻ hôm nay.

-  Trước sự bộn bề của quá trình vận động đi lên như ông từng viết: “Tôi lớn lên lo nghĩ nhiều thêm/ Thành phố cũng như tôi đang lớn”, đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô tiếp tục xác định tâm thế sáng tạo như thế nào, thưa nhà thơ?

- Ý thức được thành phố đang thay da đổi thịt từng ngày đủ buộc mỗi người phải suy tư, trăn trở để hòa nhập với cái chung, tự nâng mình lên cao hơn, hành động năng nổ hơn, góp sức cho công cuộc đổi mới của thành phố. Chúng ta vui mừng khi gần đây Hà Nội đã ghi tên mình vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, nhưng cần làm gì cho thực sự xứng với danh xưng đó cũng lại là trách nhiệm lớn của chúng ta, trong đó có bản lĩnh sáng tạo của giới trí thức, văn nghệ sĩ...

- Là một người sáng tác lớp trước, trong thập niên qua, ông vẫn tập trung cho công việc sáng tạo?    

- Không chỉ tôi mà cả thế hệ nhà văn thời chống Mỹ cũng đều nhận thấy rằng, lớp nhà thơ chống Mỹ từ khi đổi mới vẫn vững vàng tư thế người lính trên mặt trận văn học, có đóng góp sáng tạo mới.

Tôi vừa xuất bản tập Thơ Bằng Việt 1986 - 2016 (NXB Văn học), lựa chọn từ 5 tập thơ đã xuất bản trong hơn 30 năm đổi mới. Tôi tiếp tục hoàn chỉnh tập Thơ dịch Bằng Việt và đang gắng hoàn thành tập tiểu luận: Thơ - thưởng thức và thẩm định, ghi nhận những kinh nghiệm, những thẩm định về thơ của tôi sau 50 năm cầm bút. Bên cạnh đó, tôi cũng là cộng tác viên tích cực của “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” của NXB Hà Nội với các công trình như biên khảo cuốn Kẻ sĩ Thăng Long, chủ biên 2 tập Tuyển thơ 1000 năm Thăng Long, rồi Tuyển tập ký, tản văn xứ Đoài; gần đây nhất là biên khảo cuốn Kinh đô Rồng - từ truyền thống thượng võ đến chủ nghĩa anh hùng trên cơ sở đề cương và phác thảo mở đầu của cố nhà văn Nguyễn Khắc Phục. Tôi vẫn viết về muôn màu muôn vẻ của đời sống, con người Hà Nội, nhất là ở các phần Sợi chỉ nối về quá khứ và Muôn mặt chuyện đời.

- Thời gian gắn bó với lực lượng văn nghệ sĩ ở Thủ đô (2001 - 2016) ở cương vị của mình, có điều gì ông thấy chưa làm được?

- Về mặt tổ chức sáng tác, đầu tư cho sáng tác từ nguồn kinh phí nhà nước, sáng tạo những tác phẩm lớn như anh chị em hội viên thường mơ ước, hội chưa quyết tâm làm được mặc dù đã có cơ chế và có cả văn bản Thành phố đã ban hành. Việc phát huy tối đa tầm suy nghĩ và tâm huyết của trí thức, văn nghệ sĩ để đóng góp xây dựng Thủ đô, trong đó trọng tâm là tầm vóc văn hóa và nếp sống văn minh, thanh lịch của Hà Nội, chúng tôi làm được quá ít, đôi khi còn mặc cảm, tự ti, biết mà không nói!

Năm 2020, Thủ đô tròn 1010 năm tuổi, thiết nghĩ cũng là dịp có thể đặt ra vấn đề tổng kết thành tựu VHNT Thủ đô sau 35 năm đổi mới, có thể tập hợp và in ra một bộ tuyển tập đồ sộ các sáng tác của nhiều lĩnh vực “Văn” và “Nghệ”, tạo khí thế đi tiếp từ cảm hứng thành phố 1010 năm tuổi.

- Chân thành cảm ơn nhà thơ Bằng Việt!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Văn nghệ sĩ Thủ đô luôn tiên phong, dấn thân trong sáng tạo!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.