(HNM) - Quá khổ vì "lô cốt", ông Nguyễn Văn Lang (đường Hoàng Sa, phường Đa Kao, quận 1) đã đệ đơn kiện Sở GTVT ra tòa đòi bồi thường 372 triệu đồng vì rào chắn án ngữ trước nhà ông đến 42 tháng khiến kinh doanh đình trệ, thu nhập mất khoảng 6 triệu đồng/tháng. Vụ việc hy hữu đã được TAND TP Hồ Chí Minh thụ lý...
Kinh doanh chết vì "lô cốt"… sống lại!
Đường Lê Văn Sỹ là một trong những con đường có nhiều cửa hàng kinh doanh thời trang, quần áo, giày dép… nhất TP. Đây cũng là một trong những con đường giữ… kỷ lục về mật độ rào chắn ("lô cốt") dày đặc trong 3 năm qua. Năm 2010, nhiều hộ kinh doanh trên đoạn đường này chưa kịp vui mừng vì các "lô cốt" đã lần lượt được dỡ bỏ thì lại tiếp tục khốn khổ vì một số bỗng dưng… sống lại. Tại đoạn đường từ cổng xe lửa số 6 xuôi về quận 1, một "lô cốt" hoành tráng án ngữ hết mặt đường khiến gần trăm cửa hàng quần áo, giày dép nơi đây rơi vào tình cảnh mở cửa cũng như đóng. Nhiều cửa hàng phải "cứu vãn tình thế" bằng cách ghi bảng chỉ dẫn khách hàng chỗ gửi xe, nhưng những nỗ lực kéo khách này hầu như không có tác dụng. Chị Minh, nhân viên một cửa hàng quần áo tại đây cho biết, doanh thu của cửa hàng giảm đến 90%. Đây là rào chắn công trình của dự án vệ sinh môi trường (VSMT) TP do Sở GTVT làm chủ đầu tư và được thi công bởi liên doanh Dreco và Cienco 5. Thời gian thi công rào chắn được ghi trên bảng là từ ngày 14-8 đến 30-9-2010, tuy nhiên cho đến nay vẫn án binh bất động.
“Lô cốt” chiếm hết mặt đường Lê Văn Sỹ khiến các hộ kinh doanh rơi vào tình cảnh ế ẩm. |
Cùng tình trạng trên, tại đường Võ Thị Sáu đoạn giáp với Phạm Ngọc Thạch, các hộ kinh doanh chưa kịp vui mừng vì các rào chắn đã rút đi mấy tháng trước, lại trở nên rầu rĩ vì một cái khác đã mọc lên. "Lô cốt" này cũng thuộc dự án VSMT TP. Thời gian thi công được thông tin là từ ngày 21 đến 28-11-2010 nhưng hiện vẫn chưa biết khi nào xong. Chị Trang, nhân viên bán hàng xe đạp ở số 150 Võ Thị Sáu cho biết, từ ngày rào chắn dựng lên thì doanh thu giảm hẳn vì khách không vào được để mua bán. Trước đây, trung bình, mỗi ngày cửa hàng bán được một vài chiếc xe thì những ngày qua không bán được chiếc nào.
Tại đường Phan Đình Phùng, những chiếc "lô cốt" cũng lần lượt… sống dậy sau thời gian được dỡ bỏ. Anh Hùng, chủ một cửa hàng chăn, gối nệm bức xúc: Suốt từ tháng 7-2009 đến nay khốn khổ vì các "lô cốt", hết của thoát nước đến cấp nước liên tục xuất hiện. Mùa tết năm trước đã thua lỗ tiền thuê mặt bằng, mùa tết năm nay tình hình cũng không khá hơn vì mỗi ngày "lô cốt" còn án ngữ là thất thu đến 70-80%.
Bao giờ hết "lô cốt"?
Giải thích việc "lô cốt" tiếp tục mọc lên vào những ngày qua, theo ông Lê Minh Triết, Phó phòng Quản lý, khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP) là do những vị trí này trước kia đã thi công nhưng chưa xong, phải tái lập tạm mặt đường và nay phải mở ra để thi công tiếp và đấu nối ống cống giải quyết ngập. Các vị trí này nằm nhiều ở khu vực cầu Kiệu, Đặng Văn Ngữ…
Ông Trần Hồng Nam, Phó Thanh tra Sở GTVT TP phân bua, trên địa bàn TP hiện có 63 vị trí có rào chắn để thi công các dự án, gồm VSMT TP, cải thiện môi trường nước, Đại lộ Đông Tây, dự án nâng cấp đô thị và các công trình cải tạo hệ thống thoát nước, sửa chữa và nâng cấp cầu đường. Hiện tiến độ thi công trên các tuyến đường Phan Đình Phùng, Nguyễn Kiệm, Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Trọng Tuyển… thuộc dự án VSMT quá chậm đã gây ảnh hưởng đến giao thông, sinh hoạt hằng ngày của người dân. Trong tuần qua, Thanh tra Sở đã kiểm tra, lập biên bản xử lý 15 trường hợp vi phạm hành chính trong thi công với số tiền gần 90 triệu đồng.
Theo ông Nam, Thanh tra Sở sẽ giám sát, đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công để những rào chắn trên đường nhanh chóng được tháo dỡ. Tuy nhiên, theo hợp đồng ký kết thì dự án VSMT TP sẽ hoàn thành vào cuối năm 2011. Như vậy, nhanh nhất cũng phải đến lúc đó người dân TP mới có thể hy vọng hết nỗi khổ "lô cốt". Tuy nhiên, TP vẫn còn nhiều dự án khác đang triển khai nên thảm cảnh "lô cốt" chưa biết khi nào mới chấm dứt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.