Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vấn nạn ”bôi trơn”

Thế Phương| 27/03/2014 06:06

(HNM) - Từ một vụ kiện tụng có liên quan đến dự án xây dựng Khu đô thị Sing - Việt tại TP Hồ Chí Minh, thông tin về một khoản hối lộ, hay vẫn được gọi là "phí bôi trơn" lên tới 2,8 triệu USD đã bung ra.

Tính xác thực của vụ việc được xem là có dấu hiệu nghiêm trọng này đang được các cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ. Kết quả thế nào cần có quá trình điều tra. Tuy nhiên vụ việc nêu trên cùng với nghi án hối lộ cán bộ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam 80 triệu yen (như Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản - JTC thừa nhận) có một vấn đề nổi lên là nạn "bôi trơn". Đây là một vấn nạn nhức nhối tồn tại nhiều năm qua trong đời sống xã hội. Tệ nạn này không chỉ để lại những hậu quả nghiêm trọng trên lĩnh vực kinh tế mà còn làm tha hóa đạo đức, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội. Khi chủ đầu tư (đặc biệt đối với các dự án xây dựng) buộc phải "bôi trơn", họ sẽ tìm mọi cách tính đủ vào dự án. Rất có thể các loại vật liệu, vật tư kém chất lượng sẽ được sử dụng, chất lượng công trình sụt giảm, nhưng giá thành vẫn cứ đội lên. Lúc đó, không ai khác, chính các "thượng đế" sẽ phải gánh chịu hậu quả từ khoản "bôi trơn" này. Không chỉ vậy, bằng việc "bôi trơn" và những ngón đòn cạnh tranh thiếu lành mạnh, không ít doanh nghiệp có khả năng đi "cửa sau" đã đẩy các đối thủ đầy đủ tiềm lực, làm ăn đứng đắn ra khỏi "cuộc chơi", dẫn đến dự án chậm tiến độ hoặc thậm chí bỏ hoang... làm cho hình ảnh môi trường kinh doanh ở Việt Nam thêm méo mó.

"Bôi trơn" rõ ràng là vi phạm pháp luật, để lại những hậu quả tiêu cực cho xã hội, nhưng vì sao không ít chủ đầu tư, doanh nghiệp vẫn làm? Theo một cán bộ của cơ quan phòng, chống tham nhũng, lý do chính khiến doanh nghiệp đưa hối lộ không phải vì không "bôi trơn" thì sẽ hỏng việc mà vì "bôi trơn" công việc sẽ nhanh, hiệu quả hơn, chi phí lại thấp hơn so với lợi ích. Tuy nhiên, đây chỉ là lý do bên ngoài - bề nổi, thực tế phí "bôi trơn" đã tỏ rõ hiệu quả trong việc khơi thông ách tắc của thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp vượt qua những nhiêu khê của nạn sách nhiễu lạm quyền. Và phí "bôi trơn" cũng là công cụ để doanh nghiệp và một bộ phận người có trách nhiệm "lách luật" cùng chia sẻ lợi ích. Một con số thống kê cho thấy: Trên 21% doanh nghiệp trong nước thừa nhận đã trả chi phí không chính thức trong đăng ký kinh doanh và 40% doanh nghiệp chi trả "hoa hồng" để tăng khả năng trúng thầu hợp đồng mua sắm...

Trở lại nghi án "bôi trơn" 2,8 triệu USD ở dự án xây dựng Khu đô thị Sing - Việt tại TP Hồ Chí Minh, trong vụ này, không phải các nhà đầu tư tố cáo mà do HĐXX phát hiện tại một phiên tòa; không chỉ có lời khai mà còn có tài liệu, do vậy, việc điều tra, xử lý có thể sẽ nhanh hơn. Tuy nhiên, cuộc chiến với tệ nạn "bôi trơn" sẽ còn cam go đối với toàn xã hội, bởi lẽ trong tư duy của nhiều người "bôi trơn" đã là "chuyện thường ngày...". Để chủ đầu tư, doanh nghiệp không hối lộ và các "công bộc của nhân dân" không nhận hối lộ, không chỉ phải lấp đầy những kẽ hở trong hệ thống pháp luật mà còn phải nâng cao nền đạo đức công vụ. Nếu xây dựng được một nền hành chính công vụ minh bạch, lấy thước đo là hiệu quả phục vụ doanh nghiệp, người dân... chắc chắn sẽ đẩy lùi được nạn "bôi trơn". Câu chuyện này đã bàn rất nhiều, đã nói rất nhiều, nhưng từ mong muốn tới thực tế vẫn là những khoảng cách.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vấn nạn ”bôi trơn”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.