(HNM) - Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện văn hóa giao thông (VHGT) nhằm giảm ùn tắc, tai nạn giao thông (TNGT) được triển khai rầm rộ trong những năm gần đây dưới nhiều hình thức, nhưng VHGT là gì thì vẫn chưa có định nghĩa thống nhất khiến cho công tác này chưa đúng, chưa trúng.
Dọc các tuyến đường, đâu đâu cũng gặp những tấm biển tuyên truyền như: "Thiết lập trật tự kỷ cương an toàn giao thông", "An toàn giao thông, trách nhiệm của mỗi người", "Hãy nói không với rượu, bia khi tham gia giao thông", "Có văn hóa giao thông là sống vì cộng đồng"... nhưng không ít khẩu hiệu cùng nội dung mà không thống nhất. Ngay tại Hà Nội, khẩu hiệu trên phố Thái Hà là "Tuổi trẻ Thủ đô với văn hóa giao thông", nhưng sang đến phố Phạm Ngọc Thạch lại là "Tuổi trẻ Thủ đô xung kích tham gia bảo đảm an toàn giao thông", đến nút giao thông Kim Liên thì thấy tấm biển lớn "Văn hóa giao thông là đi đúng làn đường"... Qua các ngã ba, ngã tư, thi thoảng người đi đường còn thấy học sinh, sinh viên tham gia chiến dịch "Hà Nội yêu thương" giơ khẩu hiệu tuyên truyền VHGT ngộ nghĩnh, vui nhộn như: "Đi đúng làn thấy thật an nhàn", "Đi thong dong cho đỡ vất vả", "Hà Nội không vội được đâu", "Dừng đèn đỏ chứng tỏ văn minh"... Công tác tuyên truyền về ATGT và VHGT đã và đang trở thành phong trào, được các ngành, đoàn thể nhiệt tình hưởng ứng: "Thanh niên hành động vì an toàn giao thông", "Phụ nữ với an toàn giao thông'"… Thế nhưng, VHGT là gì, thì có người cho rằng là thực hiện tốt Luật Giao thông, người lại bảo nó có ý nghĩa rộng hơn, cao hơn và là cách ứng xử của mọi người khi tham gia giao thông...
Mặc dù được tuyên truyền rầm rộ, song có lẽ do chưa có định nghĩa rõ ràng, tiêu chí thống nhất nên hiệu quả không cao. Tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, say rượu bia và gây TNGT vẫn rất phổ biến. Năm 2010 cả nước xảy ra 14.442 vụ TNGT, làm 11.449 người chết, 10.633 người bị thương. Năm 2011, số vụ TNGT có giảm (10.400 vụ) nhưng số người chết và bị thương tăng lên. Riêng 6 tháng đầu năm nay, cả nước xảy ra 17.886 vụ TNGT, làm chết 4.953 người, bị thương 19.977 người. Tính trung bình, mỗi ngày có khoảng 30 vụ TNGT làm hơn 20 người thiệt mạng.
Không chỉ là tuân thủ luật
Trước tình trạng trên, Ủy ban ATGT quốc gia giao cho Bộ VH,TT&DL xây dựng các tiêu chí về VHGT nhằm đi đến một cách hiểu, cách hành động thống nhất.
Dự thảo tiêu chí do Bộ VH,TT&DL xây dựng gồm 4 điều có và 4 điều không đối với người tham gia giao thông. 4 có gồm: có hiểu biết đầy đủ và nghiêm túc thực hiện các quy định về Luật Giao thông; có đội mũ bảo hiểm đúng quy cách; có ý thức trách nhiệm cao nhất đối với bản thân và cộng đồng; có hành vi ứng xử văn hóa, nhường nhịn, hợp tác giúp đỡ người bị tai nạn. Còn 4 không là không được uống rượu bia, phóng nhanh vượt ẩu, đàm thoại, vượt đèn đỏ, lưu hành phương tiện khi không có đủ giấy tờ quy định; không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, hành lang bảo vệ ATGT; không có thói hư tật xấu trong ứng xử với người cùng tham gia GT; không để xảy ra tai nạn.
Khi đưa ra lấy ý kiến để hoàn thiện, hầu hết đại biểu ngành văn hóa, ngành giao thông phản đối bộ tiêu chí về VHGT vì khó nhớ, khó hiểu và đều đã được quy định rõ trong Luật Giao thông. Ông Khương Kim Tạo, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia nói: "Tuyên truyền, giáo dục và cưỡng chế người tham gia GT thông tuân thủ pháp luật trật tự ATGT là "thuốc tây y", còn việc triển khai VHGT là "thuốc đông y" trị "căn bệnh" TNGT. Mỗi loại "thuốc" có công dụng khác nhau nhưng "đông y" là trị tận gốc tuy có thể chậm hơn. Cũng theo ông Khương Kim Tạo, nếu chúng ta không xây dựng được hệ thống hạ tầng và tổ chức giao thông chuẩn mực, không tạo dựng được hệ thống cán bộ quản lý ATGT tốt, mà trước hết là lực lượng cảnh sát, thanh tra giao thông, cán bộ thuộc các cơ quan TƯ và địa phương tham gia quản lý ATGT thì rất khó hình thành được VHGT. Từ quan niệm đó, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, đối tượng cần xây dựng VHGT không chỉ là người tham gia giao thông mà còn là hạ tầng giao thông (theo quy chuẩn, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho người tham gia, bảo đảm cảnh quan, mỹ quan); phương tiện giao thông (phù hợp với quy chuẩn, bảo đảm mỹ quan), ứng xử của người thi hành công vụ (hành vi ứng xử có văn hóa).
Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Ngọc Sơn, Ban ATGT tỉnh Lào Cai nhấn mạnh, không xây dựng VHGT thì người tham gia giao thông vẫn phải chấp hành luật, VHGT là phải trên luật. Tiêu chí VHGT nên đơn giản, ai cũng có thể thuộc, như 5 điều Bác Hồ dạy thiếu nhi hay 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân chẳng hạn.
Xây dựng tiêu chí VHGT tưởng đơn giản mà hóa khó, nhưng dù khó cũng cần hoàn thiện để mỗi người có thể tham gia giải bài toán giao thông, nhất là giao thông đô thị hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.