(HNM) - Khi chưa bị ảnh hưởng do suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp (DN) ngoài nhà nước đã không mặn mà với việc thành lập tổ chức đoàn, Hội LHTN, thì trong tình hình khó khăn hiện nay vấn đề này càng nan giải hơn. Do vậy, trách nhiệm của tổ chức đoàn, hội các cấp trong việc vận động, phát triển tổ chức trong DN càng phải lớn hơn.
Công ty TNHH Sông Công làm tốt công tác phát triển tổ chức đoàn, hội. Ảnh: Bá Hoạt |
Nhiều năm qua, Thành đoàn, Hội LHTN TP Hà Nội đã trăn trở tìm kiếm các giải pháp nhằm tập hợp thanh niên, phát triển tổ chức đoàn, hội, đồng thời chăm lo, hỗ trợ, giúp đỡ họ. Không chỉ vận động thành lập, Thành đoàn, Hội LHTN TP thường xuyên chỉ đạo các cơ sở đoàn - hội tổ chức khảo sát, nắm bắt tình hình tổ chức các hoạt động hỗ trợ cho thanh niên công nhân như đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của thanh niên; tổ chức "Ngày đoàn viên" tuyên truyền về tổ chức đoàn, hội; tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật miễn phí tại khu vực có đông thanh niên công nhân ở trọ; phối hợp với Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội, Hội DN trẻ Hà Nội tổ chức các đợt khám bệnh, phát thuốc, tư vấn sức khỏe sinh sản, an toàn tình dục, tư vấn pháp luật miễn phí, phiên chợ công nhân, bán hàng giá rẻ cho thanh niên công nhân, tặng quà cho người có hoàn cảnh khó khăn; tuyên dương thanh niên công nhân tiêu biểu.... Các hoạt động phong phú, hấp dẫn trên đã thu hút hàng chục nghìn thanh niên công nhân tham gia. Phó Trưởng ban Đoàn kết tập hợp thanh niên Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Mạnh Đạt cho biết, các hoạt động hỗ trợ thanh niên công nhân tuy chưa nhiều nhưng đã phần nào thể hiện được sự quan tâm của tổ chức đoàn, hội đến thanh niên công nhân, giúp họ thêm động lực để lao động sản xuất. Từ năm 2005 đến nay, có 920 tổ chức đoàn, hội được thành lập trong các DN ngoài nhà nước thu hút hàng vạn đoàn viên, thanh niên tham gia. Đặc biệt, trong tháng 3-2012, Đoàn Thanh niên, Hội LHTN các quận, huyện đã thành lập và ra mắt 8 tổ chức đoàn, hội. So với yêu cầu thì số tổ chức đoàn, hội được thành lập còn quá ít, nhưng theo Ban Đoàn kết tập hợp thanh niên Thành đoàn Hà Nội thì đó cũng là thành công đáng khích lệ. Trong thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay, chủ DN còn đang xoay xở làm sao để ổn định sản xuất, cầm cự tránh giải thể, phá sản mà tổ chức đoàn, hội vẫn phát triển là cố gắng lớn.
Hiện nay, khó khăn vẫn còn rất nhiều do chưa có văn bản pháp quy nào quy định việc phải thành lập tổ chức đoàn, hội trong các DN ngoài nhà nước nên việc tiếp cận với chủ DN (đặc biệt là các chủ DN là người nước ngoài) để vận động thành lập tổ chức là vô cùng khó. Nhiều chủ DN không muốn thành lập tổ chức đoàn, hội trong DN vì họ sợ mất thời gian, ảnh hưởng đến lao động, sản xuất. Bên cạnh đó, theo ghi nhận thực tế, các hoạt động chăm lo hỗ trợ cho thanh niên công nhân chưa được thường xuyên; lực lượng cán bộ chuyên trách thực hiện công tác đoàn kết tập hợp thanh niên công nhân từ TP đến cơ sở (đặc biệt là ở các địa bàn khu công nghiệp, chế xuất đông thanh niên công nhân ở trọ) còn rất thiếu, thậm chí còn chưa có cán bộ chuyên trách.
Để tiếp tục phát triển tổ chức đoàn, hội trong DN, Thành đoàn, Hội LHTN TP xác định sẽ tập trung vào các hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho thanh niên công nhân tại các khu nhà trọ; làm tốt công tác vận động chủ DN để thành lập tổ chức đoàn, hội. Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHTN TP Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường cho biết, phương thức vận động các chủ DN của Thành đoàn, Hội LHTN TP Hà Nội là nêu rõ lợi ích của việc thành lập tổ chức đoàn, hội nhằm tạo diễn đàn, tổ chức cho thanh niên sinh hoạt, vui chơi, từ đó sẽ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Trước mắt, Thành đoàn Hà Nội đề xuất với các cấp, các ngành chức năng đồng ý thành lập tổ chức đoàn (tương đương cấp huyện) trong các khu công nghiệp, khu chế xuất; thành lập các chi đoàn, chi hội nhà trọ, tổ chức các hoạt động tư vấn, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho thanh niên khu nhà trọ. Mục tiêu chính là các hoạt động phải thiết thực, hấp dẫn thì mới có thể thu hút được đông đảo thanh niên trong các DN ngoài nhà nước tham gia vào tổ chức đoàn, hội.
TP Hà Nội có 33 khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao được Chính phủ phê duyệt thành lập, trong đó có 8 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút hơn 500 DN; bên cạnh đó còn hàng chục nghìn DN nằm ngoài các khu công nghiệp. Số lao động trẻ tại các DN rất lớn (chiếm từ 80% đến 90%, có đơn vị 100%), công việc không ổn định, đời sống khó khăn. Nhiều bạn trẻ làm việc xa nhà, lương thấp, đời sống tinh thần nghèo nàn, hoạt động giải trí, vui chơi sau giờ làm việc gần như không có. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.