(HNM) - Một trong những sự kiện văn học đáng chú ý, diễn ra vào cuối năm 2015 là buổi ra mắt cuốn tiểu thuyết mới
Không phải là "mốt"
Với người trong giới, làm phim từ một tác phẩm văn học là chuyện "xưa rồi", trên thế giới và ở Việt Nam cũng vậy. Nhiều nhà văn nổi tiếng của nước ta như Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Nguyễn Thi, Lê Lựu… đều có tác phẩm được chuyển thể sang điện ảnh. Những nhà văn thế hệ sau như Trần Thùy Mai, Nguyễn Nhật Ánh, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Đình Tú… cũng có tiểu thuyết, truyện ngắn được dựng thành phim truyện điện ảnh. Nhìn rộng ra, dễ thấy nhiều phim truyền hình cũng được hình thành từ tác phẩm văn học.
Trong thực tế, mối duyên văn học - điện ảnh đã cho ra đời nhiều tác phẩm điện ảnh đáng giá, thực sự là tài sản quý của bộ môn nghệ thuật thứ bảy như "Vợ chồng A Phủ", "Mẹ vắng nhà", "Bến không chồng", "Người đàn bà mộng du", "Thời xa vắng", "Trăng nơi đáy giếng", "Chuyện của Pao"… Vì vậy, cho dù có sự ngắt quãng nhất định nhưng độ dăm năm trở lại đây, đặc biệt là năm 2015 vừa qua, sự xuất hiện trở lại của những dự án hợp tác thành công giữa văn học và điện ảnh đã cho thấy sự chuyển động tất yếu của xu thế này. Tất nhiên, sự hợp tác đó không phải là "mốt" và vì vậy, các dự án hợp tác không thể chỉ dựa vào nhu cầu làm "nóng" màn ảnh nhất thời, mà phải dựa trên giá trị thực sự của tác phẩm.
Đạo diễn Lương Đình Dũng, tác giả kịch bản, đạo diễn phim truyện điện ảnh "Cha cõng con" được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của chính anh, dự kiến ra mắt vào tháng 4 năm nay, từng chia sẻ với phóng viên Hànộimới rằng: Xu thế chuyển thể tác phẩm văn học sang điện ảnh không phải là mới và không phải tác phẩm văn học nào được "chuyển sang" điện ảnh cũng thành công.
Một cảnh trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. |
Quả vậy, nhìn riêng trong năm qua có thể thấy rõ điều này. "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" (chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh) ghi dấu ấn đậm nét cả về giải thưởng nghề nghiệp mà tác giả được trao lẫn hiệu ứng phòng vé. "Người trở về" (chuyển thể từ truyện ngắn "Người về bến sông Châu" của Sương Nguyệt Minh) gây sốt trong các đợt chiếu phim kỷ niệm, giành được tình cảm của khán giả, được giới nghề công nhận. Bên cạnh đó, có thể kể thêm "Quyên" (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Nguyễn Văn Thọ) với thành công ở mức "vừa phải"…
Việc chuyển thể tác phẩm văn học sang điện ảnh luôn là thách thức nhưng cũng đầy sức hút đối với những người làm nghề, cả nhà văn, nhà biên kịch và đạo diễn điện ảnh. Điều thú vị là mối quan hệ này làm nảy sinh những câu chuyện hay, chuyển động thú vị khác.
Không chỉ là văn học “sang” điện ảnh
Gần đây, giới điện ảnh ghi nhận việc một nhà văn tham gia trại sáng tác kịch bản điện ảnh. Tham gia lần đầu và lập tức có sản phẩm được xếp loại A. Đó là nhà văn Đỗ Bích Thúy với kịch bản "Người yêu ơi". Kịch bản điện ảnh này đang được tác giả "chuyển ngược" thành tiểu thuyết. Cũng như vậy, "Chúa đất" - tác phẩm vừa ra mắt của chị, vốn được hình thành từ ý tưởng về một kịch bản phim. Nay thì tiểu thuyết đã xong, nhà văn này lại bắt tay vào việc hoàn thiện kịch bản điện ảnh.
Rõ ràng là sự giao hòa và mối duyên điện ảnh - văn học có trong người viết, người làm điện ảnh. Đạo diễn Đặng Nhật Minh đã chuyển thể chính truyện ngắn "Ngôi nhà xưa" của mình thành phim "Mùa ổi". Đạo diễn Lương Đình Dũng, người được nhắc ở trên, dự định chuyển thể một cuốn tiểu thuyết của mình để đưa lên màn ảnh trong năm nay…
Còn nhớ, NXB Trẻ từng cho ra mắt bộ sách về những tác phẩm điện ảnh kinh điển có tên "Truyện và kịch bản phim nổi tiếng thế giới". Qua đó, những người yêu bộ môn nghệ thuật thứ bảy, say mê "Casablanca", "Bữa sáng ở Tifany's", "Khi Harry gặp Sally"… có cơ hội quay trở về với tác phẩm văn học hoặc những trang viết về hậu trường, những vai diễn để đời… quanh tác phẩm. Một xu hướng tận hưởng hai chiều không chỉ từ văn học sang điện ảnh, mà cả từ điện ảnh quay lại với văn học.
Ở ta cũng vậy, dù xu hướng đó chưa thật mạnh mẽ, chưa thật rõ ràng. Trong khi phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" thắng lớn thì tác phẩm văn học là khởi nguồn của bộ phim này cũng trở lại, thành điểm nóng trên thị trường xuất bản. "Người trở về" gây sốt trên màn ảnh thì tập truyện "Người về bến sông Châu" cũng được tái bản, bổ sung…
Một điểm đáng chú ý khác là mối duyên văn học - điện ảnh còn là khởi nguồn của sự manh nha một xu thế khác. Chuyện là, khi ra mắt "Thành kỳ ý" - cuốn tiểu thuyết có yếu tố lịch sử của một cây bút thế hệ 8X ở Hà Nội, tác giả sẵn lòng hợp tác để đưa tác phẩm lên màn ảnh. Nhưng, đại diện nhà sản xuất - Công ty Comicola (địa chỉ tập hợp các họa sĩ truyện tranh trẻ Việt Nam) không chỉ muốn giới thiệu những cuốn sách của tác giả trẻ Việt Nam, mà còn hướng đến mục tiêu tạo "hệ sinh thái ăn theo" cuốn sách, bao gồm cả phim, sản phẩm văn hóa liên quan đến tác phẩm. Nghe tưởng điều mới nhưng thực ra ý tưởng đó không có gì lạ bởi, như đã thấy, ở Hàn Quốc có hẳn một nền điện ảnh - thời trang, tại Nhật Bản đã hình thành ngành công nghiệp hoạt hình - đồ chơi…
Tác phẩm văn học là nguồn nguyên liệu tiềm năng của điện ảnh Việt Nam và ngược lại, điện ảnh có khả năng gợi mở ý tưởng cho văn học. Nhưng, sẽ chẳng có gì là viển vông khi mơ về một sự hợp tác rộng lớn hơn, hiệu quả hơn nhằm khai thác tối đa lợi thế của văn học và điện ảnh, tạo nên một hệ thống sản phẩm văn hóa đa dạng, phong phú hơn nữa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.