Theo dõi Báo Hànộimới trên

Văn học tuổi 20: Cần mở rộng sân chơi cho người trẻ

Phong Ca| 26/03/2022 16:08

(HNMCT) - Được khởi động từ năm 1994, cuộc thi Văn học tuổi 20 do NXB Trẻ, Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh, báo Tuổi trẻ đồng tổ chức đã trải qua 7 lần trao giải. Cuộc thi cho thấy chất lượng, uy tín nhưng cần mở rộng về quy mô và thể loại hơn nữa...

Các tác giả có tác phẩm vào vòng chung khảo Giải thưởng văn học tuổi 20 lần VII.

Những ai quan tâm đến văn học hẳn còn nhớ những cái tên từ mùa đầu của cuộc thi như Nguyên Hương (giải Nhất lần I với tập truyện ngắn “Quà muộn”, 1995), Nguyễn Ngọc Tư (giải Nhất lần II với tập truyện ngắn “Ngọn đèn không tắt”, 2000), Trần Thị Hồng Hạnh (giải Nhất lần III với truyện dài “Bài học đầu tiên”, 2004), Trương Anh Quốc (giải Nhất lần IV với tiểu thuyết “Biển”, 2010), Nhật Phi (giải Nhất lần V với tiểu thuyết “Người ngủ thuê”, 2014), Maik Cây (giải Nhì lần VI với truyện dài “Wittgenstein của thiên đường đen”, 2018), Mai Thảo Yên (giải Nhì lần VI với truyện dài “Người lạ”, 2018)...

Ngoài ra, từ cuộc thi Văn học tuổi 20, gần 30 năm qua, những cái tên khác từng tham gia và được giải như Phong Điệp, Nguyễn Ngọc Thuần, Mai Anh Tuấn, Phan Việt, Dương Thụy, Võ Diệu Thanh, Nguyễn Thiên Ngân, Đinh Phương, Hiền Trang, Phạm Thu Hà, Phạm Bá Diệp... đang tiếp tục là những gương mặt tạo dấu ấn trong đời sống văn học đương đại.

Cuộc thi Văn học tuổi 20 là sân chơi nhằm phát hiện những cây bút trẻ, đưa tác giả - tác phẩm đến với công chúng, giới thiệu những gương mặt tiềm năng... Nhận xét về các tác phẩm vào vòng chung khảo Giải thưởng Văn học tuổi 20 mới đây, ông Dương Thành Truyền, nguyên Trưởng ban tổ chức Giải thưởng Văn học tuổi 20 khẳng định: "Văn học tuổi 20 lần VII tiếp tục thể hiện góc nhìn mạnh mẽ, trực diện và đầy chất suy tưởng của những người viết trẻ - viết về chính mình trên con đường tìm kiếm bản ngã khi đối diện và trả lời những vấn đề gai góc của con người, của xã hội và của thời cuộc. Bằng cái nhìn sâu rộng với vốn hiểu biết dày dặn, họ đã đi để khám phá thế giới và khám phá bản thân...”.

Tuy nhiên, không khó để nhận ra những điểm còn hạn chế, ít nhất là trong việc phát hiện những cây bút trẻ ở lĩnh vực dịch thuật và lý luận phê bình. Thế hệ trẻ bước ra từ cuộc thi Văn học tuổi 20 như Nhật Phi, Phạm Thu Hà, Hiền Trang... đang cho thấy năng lực không chỉ ở lĩnh vực viết mà còn cả ở lĩnh vực đọc, quan sát, đánh giá đời sống văn học đương thời (cả trong và ngoài nước). Ở đây, cần phải nêu thêm những cái tên, có thể không tham gia cuộc thi Văn học tuổi 20 nhưng họ đang sống, viết bằng nguồn tri thức, tinh thần của tuổi 20. Đó là Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Ngô Viết Hoàn, Lê Quốc Hiếu, Đặng Thái Hà, Phạm Minh Quân, Thanh Nguyệt, Kiều Chinh, Đức Anh, Nguyễn Đình Minh Khuê, Hà Trang, Huế Trần...

Điểm chung nhất của những tác giả trẻ nêu trên là có thể đọc và dịch các tác phẩm văn học, nghiên cứu, lý thuyết văn học nước ngoài một cách chủ động. Điều đó cho thấy họ đang chuyển động đồng điệu với văn chương nghệ thuật thế giới. Vấn đề ở đây là cuộc thi Văn học tuổi 20 mới dừng lại ở địa hạt sáng tác, thành ra những cây bút nghiên cứu, phê bình, dịch thuật trẻ tuổi vẫn chưa được ghi nhận một cách thỏa đáng.

Việc phát hiện, giới thiệu một tác giả văn chương có tiềm năng, dĩ nhiên, rất quan trọng. Nhưng dường như giới quan sát vẫn cho rằng chỉ có sáng tác (hiểu như là người viết truyện) mới là tác giả văn học, còn những người nghiên cứu, phê bình, dịch thuật không phải là nhà văn. Vì vậy, chúng ta cần có một cách nhìn rộng mở hơn để thấy được thế hệ người viết trẻ đã lựa chọn cách tham dự vào văn chương một cách riêng và hiệu quả như thế nào. Thế nên, để chuẩn bị cho một mùa Văn học tuổi 20 tiếp theo, thiết nghĩ cần có những động thái mở rộng quy mô và thể loại nhằm thu hút, cổ vũ, phát hiện những tên tuổi mới, trẻ, đang hoạt động sung sức trong đời sống văn học đương đại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn học tuổi 20: Cần mở rộng sân chơi cho người trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.