(HNM) - Đã hơn một năm Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật được ban hành, nhưng vẫn còn không ít nghệ sĩ, người nổi tiếng có hành vi thiếu chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử, lối sống… tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng đến những người hoạt động nghệ thuật chân chính. Để nâng cao văn hóa ứng xử của nghệ sĩ, tạo dựng môi trường nghệ thuật lành mạnh, bên cạnh trách nhiệm mỗi người làm nghề, cần có chế tài xử lý nghiêm hành vi vi phạm.
Vẫn còn những hành vi lệch chuẩn
Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành tháng 12-2021 được xem là thước đo chuẩn mực hành vi ứng xử của người hoạt động nghệ thuật trong nghề nghiệp; với đồng nghiệp, công chúng, khán giả; trên báo chí, truyền thông, không gian mạng hay khi tham gia các hoạt động khác.
Tuy nhiên, Nghệ sĩ nhân dân Bùi Thanh Trầm nhận định, thời gian gần đây, vẫn còn một số nghệ sĩ có những hành vi lệch chuẩn trong giao tiếp, ứng xử với công chúng, đồng nghiệp; thiếu chuẩn mực trong lối sống; tự huyễn hoặc, mắc bệnh “ngôi sao”; phát ngôn thô tục, phản cảm; xúc phạm, miệt thị, công kích đồng nghiệp trên mạng xã hội. Có thể kể đến như người mẫu T.T, ca sĩ B.L...
Nhiều nghệ sĩ còn lợi dụng niềm tin, tình cảm của công chúng, khán giả để trục lợi. Tác giả kịch bản sân khấu Nguyễn Minh Nguyệt nêu thực tế, hiện nay, nhiều trang cá nhân của nghệ sĩ biến thành nơi quảng cáo, bán hàng, trong khi nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc và chưa được kiểm chứng chất lượng. Chỉ đến khi các nghệ sĩ lên tiếng xin lỗi thì dư luận mới “té ngửa” về chất lượng sản phẩm, “tiền mất, tật mang”. Điển hình như các nghệ sĩ Q.L, C.T, Q.T, P.T… đã từng quảng cáo, chia sẻ về sản phẩm chưa được kiểm chứng. Thậm chí, một số nghệ sĩ còn đăng tin, lan truyền nội dung về tiền ảo, mê tín như N.T, K.M.T, T.V, B.L…
Bên cạnh đó, trong đời sống nghệ thuật, rất nhiều nghệ sĩ vẫn lao động miệt mài, sáng tạo, cống hiến bằng những tác phẩm nghệ thuật giá trị, lan tỏa lòng nhân ái trong cộng đồng. Tại dự án biểu diễn nghệ thuật “Chân trời rực rỡ” của ca sĩ Hà Anh Tuấn diễn ra cuối tháng 2 vừa qua, bên cạnh việc tổ chức tại tỉnh Ninh Bình để quảng bá vẻ đẹp quê hương, đất nước, Ban tổ chức còn tiếp tục thực hiện dự án “Rừng Việt Nam”, triển khai trồng 1.400 cây xanh trên 2ha đất thuộc Vườn quốc gia Cúc Phương. Đặc biệt, nam ca sĩ cùng gia đình, bạn bè đã ủng hộ hàng tỷ đồng cho chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” về hoạt động tìm kiếm, đoàn tụ và chương trình “Tiếp sức đến trường” hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Ca sĩ Phạm Thu Hà cũng tổ chức đêm nhạc “Be my love” hồi giữa tháng 2 không bán vé mà khán giả ủng hộ tùy tâm để nghệ sĩ hỗ trợ xây dựng ngôi chùa đang nhận nuôi nhiều người già neo đơn, cơ nhỡ…
Nêu cao trách nhiệm xã hội của nghệ sĩ
Tiến sĩ, nhà nghiên cứu sân khấu Cao Ngọc khẳng định, nghệ sĩ là danh xưng cao quý, là hình tượng có tính dẫn dắt, lan tỏa trong xã hội, từ lối sống, xu hướng thời trang đến cách ứng xử. Những hành động dù đẹp hay chưa đẹp của họ đều tác động tới công chúng, người hâm mộ, nhất là giới trẻ. Vì vậy, việc nâng cao văn hóa ứng xử của nghệ sĩ là rất cần thiết. Nghệ sĩ nhân dân Minh Hòa kể, những bộ đồ bà mặc trong các bộ phim được nhiều người ưa thích, vì thế, bà luôn chú ý tới trang phục, cử chỉ, lời nói khi xuất hiện trước công chúng.
Chia sẻ về thời gian là diễn viên chèo, được nhiều khán giả hâm mộ, yêu quý tặng những món quà có giá trị như tiền, vàng, thậm chí cả nhà, xe… nhưng đều khéo léo trả lại, Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm cho rằng, khi nghệ sĩ tâm huyết, cống hiến tài năng thông qua các tác phẩm nghệ thuật thì sẽ được khán giả yêu mến. Nhưng để giữ được tình cảm, sự yêu thương trong lòng công chúng thì nghệ sĩ phải tự ý thức trách nhiệm nhiều hơn trong việc gìn giữ hình ảnh, chuẩn mực trong lời nói và ứng xử với đồng nghiệp, những người xung quanh.
Với tư cách là Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm cho rằng, để khắc phục những hạn chế trong đời sống nghệ thuật thời gian qua, nhất là những hành vi lệch chuẩn của một số người, mỗi nghệ sĩ phải nêu cao trách nhiệm, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn, vốn sống và đặc biệt cần có lối sống lành mạnh, thực hiện tốt hai Quy tắc ứng xử của thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.
Có một thực tế, Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành chưa hiệu quả triệt để vì không có chế tài xử lý. Vì thế, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đang xây dựng chế tài với các nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm pháp luật, hành xử trái đạo đức, thuần phong mỹ tục. Theo đó, với các trường hợp vi phạm, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đề xuất “cấm sóng”, “cấm mạng”, “cấm diễn” ở các mức: 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng hoặc cấm vĩnh viễn, tùy theo mức độ tác động tiêu cực và ảnh hưởng đến xã hội. Chế tài này cần được Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan quan tâm cho ý kiến…
Mong rằng, với nhiều giải pháp đồng bộ, văn hóa ứng xử của nghệ sĩ sẽ nâng cao, đem lại môi trường hoạt động nghệ thuật lành mạnh, tích cực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.