Theo dõi Báo Hànộimới trên

Văn hoá - nghệ thuật Thăng Long thời định đô

TUYETMINH| 14/10/2005 14:14

Thăng Long trở thành kinh đô nước Đại Việt vào mùa thu năm 1010. Một cụm kiến trúc trung tâm gồm tám điện, ba cung đã được dựng lên, sau này được tu bổ nhiều lần. Bên ngoài là cấm thành, ngoài nữa là hoàng thành. Bên ngoài hoàng thành là thành thị - dân cư, nơi tập trung cư dân được gọi là Kẻ chợ.

Thăng Long trở thành kinh đô nước Đại Việt vào mùa thu năm 1010. Một cụm kiến trúc trung tâm gồm tám điện, ba cung đã được dựng lên, sau này được tu bổ nhiều lần. Bên ngoài là cấm thành, ngoài nữa là hoàng thành. Bên ngoài hoàng thành là thành thị - dân cư, nơi tập trung cư dân được gọi là Kẻ chợ.

So với kẻ chợ các nơi khác thì Thăng Long là kẻ chợ lớn nhất và dần dần độc chiếm danh xưng Kẻ Chợ, bởi mật độ dân số quanh kinh thành cao hơn các nơi khác và lại được tổ chức thành phường. Khi đã có phường thì có phố. Những người có tay nghề thủ công tinh xảo về dệt, nhuộm, gốm, sứ, giấy, đúc đồng, rèn sắt, nề, mộc… trong cả nước lần lượt kéo nhau về sinh sống ở phố phường Kẻ Chợ. Vì vậy, phố phường Thăng Long có cơ sở để tổ chức biểu diễn võ thuật, tạp kỹ và các hình thức văn nghệ dân gian. Lại cho dựng điện Hàm Quang phía đông kinh thành bên bờ sông Hồng, để vua ngự xem đua thuyền và múa rối nước cùng với dân chúng.

Thăng Long xưa giữ vị trí đầu não không chỉ vì ở đó có nhà vua, có triều đình. Phải kể đến một nguyên nhân cơ bản hơn, đó là nơi hội tụ, đào luyện nên một tầng lớp sĩ phu đông đảo nhất, danh tiếng nhất trong cả nước.

Chỉ nêu lên một số gương mặt danh nhân văn hoá gốc gác, hoặc sinh ra và lớn lên ở đất cố đô cũng đủ thấy câu “Phồn hoa đệ nhất Long thành" có ý nghĩa như thế nào. Nguyễn Trãi sinh ra ở kinh đô. Từ Đạo Hạnh - Kẻ Léng. Lý Thường Kiệt - phường Cơ Xá, bãi sông Nhị Hà. Ỷ Lan ở xã Dương Xá, Gia Lâm. Chu Văn An ở Thanh Liệt – Thanh Trì. Hồ Xuân Hương ở Khán Xuân – Thăng Long. Đoàn Thị Điểm ở Làng Giữa – Văn Giang. Đặng Trần Côn ở Kẻ Mọc – Thanh Trì. Ngô Thì Nhậm và Ngô Gia Văn Phái ở Làng Tó – Thanh Trì. Cao Bá Quát ở Phố Thị - Gia Lâm. Nguyễn Du quê gốc ở Nghi Xuân – Hà Tĩnh như sinh ra và lớn lên, học hành ở Thăng Long… Tầng lớp sĩ phu này là động lực sự phát triển của nền văn hoá - nghệ thuật Thăng Long.

Nghệ thuật biểu diễn dân gian, để đáp ứng được yêu cầu đông đảo công chúng có thị hiếu đa dạng, có trình độ thưởng thức cao, đã nở rộ các nghệ thuật chuyên nghiệp hoá lập thành phường, hoạt động không những trong các dịp lễ hội mà cả trong những ngày thường. 

Con người Việt Nam ngay từ thời định đô trên đất Thăng Long đã có tinh thần hướng về văn thơ nôm và nghệ thuật dân gian. Họ không thể bỏ được phong tục lâu đời là đón các phường trò con hát về gia đình trong những ngày giỗ tết, khao vọng, hiếu hỉ. Điển hình là gia đình Nguyễn Khàn, chú của thi hào Nguyễn Du, một viên quan hào hoa, trong lâu đài không mấy khi dứt tiếng sênh ca, hoặc tiếng ngâm thơ, đánh đàn để “mua vui”. Trong giao lưu với giới sĩ phu, được những người “cầm chầu” có trình độ thưởng thức cao, các phường chèo đã nhận được những ý kiến xác đáng về nghệ thuật, những món tiền thưởng và tiền diễn khoán để hoạt động nghệ thuật lâu dài. Một số sĩ phu còn cùng các nghệ nhân soạn thảo những vở diễn. Họ tạo nên những thân trò. Tuy trong một số trường hợp trò diễn nổi lên mâu thuẫn, đôi khi gay gắt giữa hai luồng tư tưởng của nho sĩ và của người nghệ nhân – nông dân diễn ngẫu hứng tạo máu thịt cho tích trò. Song sự cộng tác này cơ bản mang tính tích cực, nó giúp cho trò diễn từ những lớp trò nhại mang tính chất sinh hoạt vụn vặt vương lên thành những tích trò có ý nghĩa đạo lý và xã hội sâu sắc. Ví như các vở chèo nổi tiếng như: Quan Âm Thị Kính, Trương Viên, Kim Nhan,Từ Thức, Lưu Bình Dương Lễ… Chính nội dung và nghệ thuật hấp dẫn của các trò diễn này đã làm cho nghệ thuật chèo lan rộng từ Thăng Long đến khắp nước, thịnh hành nhất là vùng châu thổ sông Hồng.

Con người thời xa xưa luôn luôn phải tiếp xúc với giông bão, mưa gió, sấm sét. Vì vậy họ phải cầu cúng thần linh hoặc doạ nạt, trấn áp ma quỷ để mưa thuận gió hoà, sản xuất bội thu. Trên cơ sở ấy những huyền thoại ra đời, thành những tích chuyện trong các trò diễn dân gian. Như sự tích ông Đổng ông Đùng chẳng hạn. Hai ông là các vị thần nhà trời, hội nhập với người thợ rào, như câu nói văn của người xứ Bắc “Ông Đổng mà đúc trống đồng”. Trong thiên nhiên có tia lửa của sấm sét, trong bễ lò có tia lửa của thợ rèn. Ông Đổng thiên nhiên và ông thợ rèn dân dã về sau lại được các nhà vua Lý cho hội nhập với xung thiên thần vương và trở thành Phù Đổng Thiên Vương. Phù Đổng Thiên Vương là kết tinh đẹp đẽ nhất của các hiện tượng tự nhiên với các anh hùng nhân dân trong sản xuất, trong đánh giặc. Đó là một mảng hiện thực khéo như công trình chống lũ lụt - truyền thuyết Sơn Tinh, Thuỷ Tinh. Hoặc như tích Thánh Gióng: vì phải chống giặc quá cấp bách chú bé Việt phải lớn nhanh, lớn mạnh, phải mang trong mình gan to, mật lớn, dám đương dầu với lũ giặc dữ hung hãn để giữ gìn giang sơn gấm vóc yêu quý của mình.

Tất cả những điều đó được diễn tả trọn vẹn trong lễ hội qua những trò diễn xướng dân gian. Và không đâu diễn tả được đầy đủ hào khí như trong lễ hội làng Phù Đổng ở ngoại thành Thăng Long. Và hai bên bờ sông Hồng có rất nhiều nơi thờ Thánh Gióng, tiêu biểu là đền thờ Thánh Gióng trên đỉnh Sóc Sơn.

Cách đây 995 năm, Lý Công Uẩn, nhà Vua đầu tiên triều đại Nhà Lý rời Hoa Lư định đô ở Thăng Long. Từ đó, đất “rồng bay” đã tạo nên gương mặt đặc sắc văn hoá nghệ thuật của đất nước, của dân tộc. Thăng Long – Hà Nội mãi mãi là niềm tự hào to lớn của người Việt ta, của nước Nam ta.

Theo KTĐT

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn hoá - nghệ thuật Thăng Long thời định đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.