(HNM) - Người Chăm là một tộc người sinh sống lâu đời trên lãnh thổ Việt Nam ngày nay, phân bố trên một địa bàn rộng từ các tỉnh Nam Trung bộ, nhưng tập trung chủ yếu ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, An Giang.
Khi nghiên cứu về người Chăm, tùy theo mục tiêu,các nhà khoa học có thể tiếp cận hoặc theo địa bàn cư trú, hoặc theo tôn giáo. Nếu căn cứ vào địa bàn cư trú thường phân thành hai bộ phận: Người Chăm cư trú ở miền Trung và người Chăm cư trú ở Nam bộ. Còn nếu căn cứ vào tôn giáo thì thường phân thành ba nhóm: nhóm Chăm Bàlamôn, nhóm Chăm Bàni và nhóm Chăm Islam.
Trong lịch sử phát triển của mình, dân tộc Chăm là một trong số rất ít những tộc người thiểu số Việt Nam đã từng tồn tại một Nhà nước với một trình độ phát triển cao có ảnh hưởng đến các tộc người khác. Nền văn hóa đa dạng cả về nội dung và loại hình là kết quả của một quá trình vận động nội tại cũng như quá trình giao lưu với các tộc người khác. Trong một khoảng thời gian dài, văn hóa của người Chăm chịu những tác động của các nhân tố bên ngoài cũng như sự vận động nội tại, đã có những thay đổi, nhưng vẫn là một thể thống nhất, không có sự khác biệt giữa các bộ phận như hiện nay.
Nhiều kết quả nghiên cứu từ trước đến nay về người Chăm cho thấy Phật giáo và Bàlamôn giáo cùng du nhập vào xã hội Chăm vào khoảng những thế kỷ đầu công nguyên. Trong giai đoạn đầu, Phật giáo có ảnh hưởng đến đông đảo nhân dân, còn Bàlamôn giáo chủ yếu ở tầng lớp trên, trong triều đình. Ngày nay, người Chăm không theo Phật giáo, nhưng những bi ký, di tích Phật giáo được tìm thấy ở các tỉnh miền Trung, địa bàn cư trú chính của người Chăm, đã minh chứng cho sự hiện diện và ảnh hưởng của Phật giáo trong xã hội người Chăm trước đây. Dần dần Bàlamôn giáo chiếm được vị trí độc tôn, chi phối đến đời sống mọi mặt của người Chăm. Nhưng Bàlamôn giáo đã được cải biên đi cho thích hợp với nền văn hóa truyền thống của người Chăm.
Sự xuất hiện của đạo Islam trong xã hội người Chăm làm thay đổi căn bản những nét văn hóa truyền thống của một bộ phận người Chăm. Về thời điểm xuất hiện đạo Islam, ở người Chăm còn có những ý kiến chưa thống nhất, nhưng qua hai tấm bia được tìm thấy thì vào khoảng giữa thế kỷ X ở Phan Rang, Phan Rí đã có những người ngoại quốc theo đạo Islam đến làm ăn, buôn bán. Đạo Islam khi du nhập vào xã hội người Chăm đã gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của đạo Bàlamôn vốn đã có ảnh hưởng sâu rộng, chi phối đến mọi khía cạnh đời sống của người Chăm, để rồi dẫn đến một kết quả là đạo Bàlamôn không mất đi ảnh hưởng, nhưng lại xuất hiện một cộng đồng Bàni. Bàni là một cộng đồng theo đạo Islam được tiếp biến rất mạnh mẽ của văn hóa truyền thống Chăm ở Việt Nam, mà địa bàn cư trú giới hạn ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay. Cộng đồng dân cư này, tuy thừa nhận là những người theo đạo Islam, nhưng lại có sinh hoạt tôn giáo độc lập với cộng đồng đạo Islam của người Chăm Nam bộ, cũng như với đạo Islam thế giới. Cộng đồng Chăm Bàni tuân thủ giáo lý Islam theo một cách riêng, trong đó có nhiều điều hoàn toàn xa lạ với giáo luật Islam, như có tầng lớp tu sĩ tách biệt với tín đồ làm nhiệm vụ trung gian giao tiếp giữa tín đồ với thế giới các vị thần thánh, với thượng đế, các tín đồ không làm lễ mỗi ngày năm lần. Cũng như nhóm Bàlamôn, họ vẫn giữ chế độ mẫu hệ, vẫn tiến hành các tập quán của cha ông, vẫn làm những nghi lễ chung với nhóm Bàlamôn, trong các trường hợp các nghi lễ này có liên quan tới các hệ thống thủy lợi, v.v..
Cộng đồng người Chăm hiện cư trú tại Nam bộ, lại tiếp nhận đạo Islam trong một hoàn cảnh khác, khi họ phải rời bỏ quê hương sang sinh sống ở Campuchia, Malaysia, Inđônêxia… Trong bối cảnh sống xa những người đồng tộc, lại thường xuyên tiếp xúc với những người theo đạo Islam truyền thống, nên họ đã tiếp nhận tôn giáo mới một cách đầy đủ. Cho nên, sau này vào giữa thế kỷ XIX, khi họ trở lại Việt Nam sinh sống ở các tỉnh Nam bộ, họ vẫn giữ nguyên đức tin đó.
Cộng đồng Chăm Islam Nam bộ thực hiện một cách nghiêm túc bổn phận của một tín đồ thành kính, nên đạo Islam bao trùm lên toàn bộ đời sống, chi phối đến toàn bộ sinh hoạt, phong tục của họ. Trong đời sống hàng ngày, trong các mối quan hệ từ cá nhân đến gia đình, xóm ấp, đến các quan hệ cộng đồng đều bị chi phối bởi các giáo luật Islam. Tín đồ Islam Nam bộ, cũng giống như các tín đồ Islam ở các nơi khác trên thế giới, có một quan niệm về đời sống tinh thần hoàn toàn dựa trên đức tin Islam. Trong cuộc đời của họ, ai cũng có một mong muốn là có dịp nào đó được hành hương về thánh địa La Mecque. Tuy nhiên, dấu vết mẫu hệ trong cộng đồng của họ vẫn còn rõ nét. Đó là điều cần chú ý.
Như vậy, ở người Chăm từ một cộng đồng thống nhất về phương diện văn hóa, khi đạo Islam xuất hiện đã dẫn đến việc hình thành ba cộng đồng, mà sự khác biệt trước hết là về phương diện tôn giáo. Trong quá trình nghiên cứu những quá trình tộc người đã và đang diễn ra ở các tộc người, các khu vực và trong phạm vi toàn thế giới, các nhà khoa học thường không coi tôn giáo là một đặc trưng tộc người, vì ngay trong một tộc người, các bộ phận dân cư theo những tôn giáo khác nhau, nhưng đều có ý thức về sự thống nhất tộc người. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng lưu ý đến vai trò của tôn giáo trong những quá trình phân ly (divergence) và quá trình quy tụ (convergence) tộc người. Trong từng trường hợp cụ thể, sự khác biệt về tôn giáo giữa các bộ phận khác nhau của một tộc người là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự phân chia tộc người. Tình hình tách nước Bangladesh và Pakistan là một minh chứng. Đối với người Chăm hiện nay tồn tại ba cộng đồng khác nhau, mà nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự phân chia này chính là sự khác biệt tôn giáo. Nếu xét ở một khía cạnh nào đó, thì giữa ba cộng đồng người Chăm ở Việt Nam vẫn có những yếu tố văn hóa chung được thể hiện trong ngôn ngữ, trong những yếu tố văn hóa truyền thống, trong quan hệ gia đình (yếu tố mẫu hệ vẫn còn thể hiện rất rõ trong cộng đồng Chăm). Những yếu tố văn hóa chung giữa ba cộng đồng Chăm là những yếu tố văn hóa có trước khi đạo Islam du nhập vào xã hội người Chăm. Nhưng trong hàng loạt những hiện tượng văn hóa xã hội khác, sự khác biệt giữa các cộng đồng Chăm là rất rõ ràng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự khác biệt đó chính là sự khác biệt tôn giáo. Tín đồ của mỗi tôn giáo xuất phát từ đức tin của mình thực hiện những quy định được thể hiện qua giáo luật dẫn đến sự khác biệt trong văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần, văn hóa xã hội. Những công trình nghiên cứu về văn hóa vật chất của các tộc người vùng đồng bằng sông Cửu Long và ảnh hưởng của tôn giáo trong các dạng thức văn hóa của người Chăm Islam Nam bộ đã minh chứng cho điều đó.
Trong một quốc gia đa tộc người như Việt Nam những quá trình tộc người diễn ra hết sức phức tạp, chịu tác động của những yếu tố khách quan và chủ quan hết sức khác nhau. Tùy từng tộc người, từng khu vực có thể xảy ra những quá trình tộc người khác nhau, nhưng chi phối hơn cả, bao trùm hơn cả là quá trình tích hợp, hòa hợp. Quá trình các tộc người cộng cư trên lãnh thổ Việt Nam là quá trình chung sức để dựng nước và giữ nước, bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ của cộng đồng quốc gia Việt Nam và cũng là bảo vệ sự vẹn toàn của từng tộc người. Trong quá trình đó mối liên hệ giữa các tộc người ngày càng tăng về mọi mặt và bền vững. Tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh đã trở thành truyền thống lâu đời tốt đẹp và đã làm nên sức mạnh để cho dân tộc Việt Nam vượt qua những thử thách của người Chăm tuy có những khác biệt giữa các nhóm, nhưng lại bị chi phối bởi quá trình hòa hợp tộc người vốn đang diễn ra mạnh mẽ như là những quy luật tất yếu đang diễn ra ở những quốc gia đa tộc người, nên dẫn đến hình thành một cộng đồng thống nhất, trong khi các tộc người vẫn giữ được những nét đặc trưng của văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, quá trình đó diễn ra hết sức phức tạp, mà mọi yếu tố trong mối quan hệ giữa các tộc người đều có thể trở thành những nguyên nhân dẫn đến sự phân ly tộc người. Những cuộc xung đột xảy ra trong 50 năm qua (trên 120 cuộc xung đột lớn nhỏ xảy ra ở các nơi trên thế giới kể từ sau chiến tranh thế giới thứ II) do nhiều nguyên nhân hết sức khác nhau, trong đó không ít những trường hợp tôn giáo đóng vai trò chủ yếu.
Như vậy, trong lịch sử phát triển của mình tộc người Chăm đã sáng tạo cho mình một phức hợp văn hóa phong phú về nội dung, đa dạng về loại hình.
GS.TS Ngô Văn Lệ
(Hiệu trưởng trường Đại học KHXH và NV TPHCM)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.