(HNM) - Trong vai khách hàng, phóng viên Báo Hànộimới đã đến những hàng ăn được gán
20h30 ngày 26-2, ngồi ăn ở quán ốc đầu đường Hồ Đắc Di gần Trường Mầm non Tây Sơn, đối diện cây xăng Nam Đồng (quận Đống Đa) - địa chỉ được miêu tả trên những trang mạng là quán "ốc lắm mồm" (khách vừa ăn ốc, vừa phải nghe chủ cửa hàng nói quá nhiều), chúng tôi không thấy gì khác biệt so với những hàng quán khác. Chủ hàng và người phục vụ đáp ứng mọi yêu cầu của khách. Người thưởng thức ốc luộc với nước chấm thơm lừng, người chọn cháo hến, người ăn ngao hấp hay đơn giản là đĩa trứng cút lộn. Nghe tiếng đây là "địa chỉ đen", chúng tôi cố tình yêu cầu thay bát nước chấm với lý do quá cay, chủ hàng đáp ứng ngay, không chút nề hà hay tỏ ý khó chịu. Nhìn quanh, có hai vị khách ngồi bàn bên còn mang cả bún từ bên ngoài vào ăn cùng đồ ăn của quán thay cho bữa tối. Khách đến cửa hàng này đa số mặc trang phục ở nhà, chứng tỏ họ ở gần; một số là khách hàng thường xuyên. Chúng tôi hỏi nhỏ: "Đây có phải là quán ốc lắm mồm, ốc chửi không", chị Lê Thị Hoa, phố Tây Sơn ngồi bàn bên cạnh nói: "Tôi chưa nghe thấy bao giờ. Tôi ăn ở đây nhiều lần rồi, vừa ngon, vừa rẻ, không thấy bà chủ có gì quá đáng".
Niềm nở với khách hàng là văn hóa giao tiếp, ứng xử trong ẩm thực của Hà Nội. Ảnh: Đan Toàn |
Nghĩ mình có thể nhầm địa chỉ, chúng tôi sang hàng ốc Huyền Trang, số 153 Hồ Đắc Di, chỉ cách đó vài nhà để "thẩm định lại". Hàng ốc này có quy mô lớn hơn, 6 người phục vụ, có chỗ gửi xe miễn phí rộng rãi. Chọn vị trí "đắc địa" để có thể nghe, quan sát mọi lời nói, cử chỉ của chủ cửa hàng các thực khách, dù đã kiên nhẫn ngồi cho đến khi nhà chủ lục tục dọn hàng cũng không thấy có gì khác thường.
7h30 ngày 27-2, chúng tôi đến hàng "phở đứng" ở 49 Bát Đàn, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, chứng kiến người xếp hàng trên vỉa hè chờ đến lượt ăn khá đông. Có người vội đi làm, chấp nhận ăn đứng. Khi xem thông tin trên một số trang mạng, chúng tôi cũng có chung thắc mắc như nhiều người, rằng "cũng là ăn thôi sao mà phải khổ thế, mất thời gian thế?", nhưng phải "mục sở thị" mới có câu trả lời. Anh Trần Tiến Lãm (ở đường Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa), một trong số những thực khách của quán phở 49 Bát Đàn sáng hôm đó, nói: "Phở ở đây đắt hơn nhiều nơi khác nhưng bao giờ cũng đông, đơn giản là vì phở ngon, rất ngon. Đông người ăn thì phải xếp hàng chờ đến lượt là đương nhiên. Cứ hôm nào có thời gian là tôi lại lên đây ăn sáng". Bà bán hàng nước ở số nhà 44 Bát Đàn khẳng định: "Có những khách đến hàng phở gia truyền này ăn cả tháng, cả năm, thậm chí mười mấy năm. Khách Tây lưu trú trong khu vực phố cổ đến hàng phở này ăn cũng nhiều. Rất nhiều người ăn phở rồi sang nhà tôi uống nước, đều khen phở 49 Bát Đàn ngon, có thấy ai phàn nàn gì về chuyện xếp hàng đâu".
Trưa cùng ngày, chúng tôi rẽ vào quán "bún chửi" của bà Thảo ở 41 Ngô Sĩ Liên, phường Văn Miếu (Đống Đa). Lúc ấy, tầng 1 và tầng 2 của ngôi nhà với diện tích sàn khoảng 60m2, từng là văn phòng của Công ty Tổ chức sự kiện Trần Gia đã không còn chỗ trống. Phải công nhận rằng thỉnh thoảng bà chủ hàng lại to tiếng giải thích khi có khách yêu cầu "tăng cường" bố trí bàn ngoài vỉa hè ngồi ăn cho thoáng, hay nhắc nhở mấy thực khách mới lớn gọi đồ ăn với giọng cộc lốc "cho bát bún!". Ông Triệu Quang Khánh và hai nhân viên bảo vệ khác ở Trường Mầm non Kim Đồng, đối diện hàng "bún chửi" cho biết: "Hàng bún bà Thảo được gắn thương hiệu "bún chửi" từ lâu rồi, nhưng nói thế là hơi quá. Khách ăn mà bị chủ hàng quát mắng chửi nhem nhẻm thì ma nào thèm ăn. Công nhận là bà Thảo đôi lúc có thái độ bất cần, thậm chí đuổi cả khách, nhưng đó là với những khách có thái độ không văn minh, lịch sự".
Quán cháo gà bà Mỹ ở góc phố Nhà Thờ - Lý Quốc Sư (Hoàn Kiếm) cũng nằm trong "danh sách đen" những quán "bún mắng, cháo chửi" như trang mạng nọ đã liệt kê. Tuy nhiên, bản thân người viết cũng đã nhiều lần làm thực khách của quán này nhưng chưa hề gặp phải tình huống tệ hại như đã được nhiều người mô tả trên mạng. Đành rằng, chủ hàng không vồn vã, tươi tỉnh, đối đáp nhát gừng, nhưng muốn "khép tội" e rằng cũng hơi khiên cưỡng.
Hà Nội là một trong những thành phố ẩm thực trên bản đồ du lịch thế giới với vô số hàng quán từ sang trọng cho tới bình dân, không thể thống kê hết. Việc một vài cửa hàng có cách đối xử với khách gây phản cảm đáng bị lên án, nhưng không thể vội vã quy chụp, kết tội đó là bộ mặt ẩm thực Hà Nội. Mặc dù vậy, đó cũng có thể xem như là những lời cảnh tỉnh đối với một số chủ cửa hàng có thái độ, hành vi ứng xử phản cảm, ảnh hưởng đến truyền thống thanh lịch của người Hà Nội.
Trong quá trình đi tìm tư liệu cho bài viết này, rất nhiều chủ kinh doanh dịch vụ ăn uống ở Hà Nội nói rằng họ không đáng chịu tiếng xấu, không đáng bị bêu riếu chỉ vì nơi này nơi kia có những chủ hàng tục tằn, bậy bạ với khách. Có người chia sẻ, đành rằng kinh doanh không phải việc dễ, không phải lúc nào cũng có thể "tươi như hoa", nhưng những hành vi như thể muốn đuổi khách chắc chắn chỉ là chuyện "con sâu làm rầu nồi canh" mà thôi.
Thế nên, nói chỗ nọ, chỗ kia làm ẩu thì được và cần phải phê phán cho chừa thói coi thường người khác, nhưng nếu nói quá lên, đem cái cá biệt áp đặt cho toàn thể, e rằng ý nghĩa phê bình, tuyên truyền, vận động không còn nữa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.