(HNM) - Hiện nay, tình trạng vi phạm trật tự ATGT trong thanh niên có xu hướng gia tăng, gây nguy hiểm cho bản thân và người cùng tham gia giao thông không phải hiếm gặp.
Có một thực tế hiện nay, nhiều học sinh chưa đến tuổi được cấp phép lái xe mô tô vẫn điều khiển mô tô đi học. Điều đáng trách là nhiều phụ huynh chiều theo ý thích, sắm xe phân khối lớn cho con, vô tình tiếp tay cho con vi phạm. Mặt khác, việc sắm cho con chiếc xe máy đi học không còn là gánh nặng kinh tế đối với nhiều gia đình, kể cả ở nông thôn. Theo kết quả điều tra mới đây của Ủy ban ATGT quốc gia cho thấy, gần 80% người bị xử lý vi phạm khi tham gia giao thông trong độ tuổi từ 16 đến 35. Thầy giáo Bùi Thế Cường, Trường THCS Tứ Liên (quận Tây Hồ) cho biết: "Bản thân tôi thường xuyên bắt gặp trên đường phố là hình ảnh những học sinh vai khoác túi đựng sách vở, tóc nhuộm vàng, trên người vẫn mặc những bộ đồng phục THCS, THPT ngang nhiên điều khiển xe máy đến trường".
Khảo sát của Thành đoàn Hà Nội và Sở GD&ĐT Hà Nội cho thấy, tình trạng vi phạm giao thông đường bộ của học sinh ngày càng gia tăng. Khi tan trường, học sinh "túm năm, tụm ba", dừng đỗ xe dưới lòng đường; đi ngược chiều; đi xe đạp dàn hàng ba, hàng bốn; đi xe máy lạng lách, đánh võng... Trong các đợt kiểm tra, xử lý hành chính các trường hợp sai phạm ở Hà Nội gần đây, có khoảng 20% đối tượng vi phạm giao thông là học sinh phổ thông.
Nghiêm khắc trong giáo dục
Cử người quay phim, chụp ảnh học sinh vi phạm để xử lý kịp thời là biện pháp hiệu quả ở Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa). Đoàn trường đã phối hợp với giáo viên, phân công trách nhiệm cụ thể cho đội thanh niên xung kích, thường xuyên kiểm tra, quay phim, chụp ảnh, để có được những bằng chứng của thanh niên, học sinh vi phạm, kịp thời thông báo về gia đình và phê bình trong sinh hoạt đoàn, sinh hoạt lớp, đánh giá hạnh kiểm… Nhờ vậy, đã giảm tối đa các trường hợp học sinh của trường vi phạm.
Thầy giáo Hoàng Trung Thuấn, cố vấn Đoàn trường THPT Phan Huy Chú cho biết thêm, Đoàn trường đã thành lập Ban chỉ đạo về ATGT, tuyên truyền các quy định xử phạt của các ngành chức năng và có công văn liên ngành triển khai đến từng phụ huynh và học sinh. Đặc biệt, từ đầu tháng 11 vừa qua, Đoàn trường đã phối hợp với Hội cha mẹ học sinh tổ chức cuộc thi tìm hiểu ATGT bằng hình thức sân khấu hóa; truyền thông về những vụ tai nạn giao thông của học sinh trên địa bàn TP Hà Nội cũng như trong chính nhà trường để cảnh tỉnh học sinh. Bằng biện pháp trên số học sinh vi phạm trật tự ATGT của Trường THPT Phan Huy Chú giảm 70% so với cùng kỳ năm trước; nhiều chi đoàn đã không còn học sinh vi phạm.
Tiến hành kiểm tra trắc nghiệm học sinh những câu hỏi về ATGT, nhằm mục đích đánh giá mức độ hiểu biết của học sinh về lĩnh vực này, từ đó có các biện pháp thích hợp, kế hoạch cụ thể để giáo dục ATGT cho học sinh hiệu quả là cách làm ở Đoàn trường THPT Hồ Xuân Hương (quận Thanh Xuân). Anh Mai Xuân Toàn, cố vấn Đoàn trường cho biết, Đoàn trường chú trọng các buổi học ngoại khóa chi đoàn dưới sự điều hành của giáo viên chủ nhiệm. Sau mỗi buổi học ngoại khóa, Đoàn trường yêu cầu các chi đoàn sưu tầm tranh ảnh, hoặc chuẩn bị các tiểu phẩm về ATGT để tổ chức thi cấp trường. Thêm nữa, yêu cầu phụ huynh cam kết cùng chung tay với nhà trường cùng giáo dục trật tự ATGT cho học sinh.
Tuy nhiên, việc ngăn ngừa học sinh vi phạm quy định ATGT và quan trọng hơn là xây dựng văn hóa giao thông trong giới trẻ vẫn còn nhiều bất cập. Chế tài áp dụng đối với hành vi vi phạm ATGT của học sinh, sinh viên quy định trong văn bản pháp luật chưa đủ mạnh để răn đe. Việc xử lý vi phạm của học sinh chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục và đồng đều dẫn tới làm mất tính giáo dục của các biện pháp xử phạt. Trong khi đó, như đã nêu sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng trong giáo dục ý thức về ATGT cho học sinh, sinh viên chưa chặt chẽ.
Nên chăng, ngành giáo dục thành phố cần khuyến khích nhân rộng các mô hình tốt như Trường THPT Phan Huy Chú, Trường THPT Hồ Xuân Hương. Đa dạng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục học sinh về luật giao thông, lồng ghép trong các giờ chào cờ đầu tuần, sinh hoạt lớp. Có sự phối hợp chặt chẽ, phát huy vai trò của tổ chức đoàn, hội và hội cha mẹ học sinh, tổ chức các hình thức CLB, thi tìm hiểu về ATGT. Một trong những yếu tố rất quan trọng để ngăn chặn tình trạng vi phạm trật tự ATGT của học sinh, sinh viên chính là nâng cao ý thức trách nhiệm giữ gìn trật tự ATGT từ các bậc phụ huynh học sinh, sinh viên. Cơ quan chức năng cần hoàn thiện chế tài xử phạt những vi phạm luật giao thông đối với học sinh phải đủ sức răn đe, phòng ngừa. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.