(HNM) - Kịch bản là một trong những nút thắt khó gỡ nhất của sân khấu hiện nay. Hầu hết đơn vị nghệ thuật đều chung tình trạng: số lượng kịch bản gửi đến thì nhiều nhưng hay thì ít. Lý do: người viết chuyên nghiệp thiếu thực tế, chưa thực sự tâm huyết, còn những tác giả nghiệp dư lại chưa có đủ kỹ năng cần thiết để hoàn thành tác phẩm.
Cái sự thiếu ở đây không chỉ là sự thiếu cập nhật thông tin đời sống hằng ngày mà còn là ở sự xa rời đời sống sân khấu, không có được những khơi gợi cần thiết từ vốn sống xanh tươi của nghệ thuật. Lại càng thiếu tác giả gắn bó chặt chẽ với một đơn vị nào đó để tâm huyết, viết riêng cho từng diễn viên theo cái cách đo ni đóng giày tạo được sự độc đáo, riêng biệt cho tác phẩm.
Để khắc phục, một trong những biện pháp phổ biến là tổ chức trại sáng tác. "Đói" kịch bản, nên các trại sáng tác rất được chú ý. Hầu như tác giả đang ở tầm sung sức nhất trong đội ngũ biên kịch phía Bắc đã "đến hẹn là lên… trại" như Lê Quí Hiền, Phạm Văn Quí, Nguyễn Hiếu, Đăng Thanh, Chu Thơm... Cách làm việc có nét mới, ở chỗ, tác giả phải có kịch bản hoàn chỉnh, đến trại chỉ là để nâng cao. Cũng có một số gương mặt mới ở trại viết Đại Lải lần này mở ngày 19-9, nhưng đều là từ phía Nam và miền Trung như Mỹ Dung, Xuân Đức, Lê Thu Hạnh, Hoàng Anh…
Mở trại sáng tác để tìm kiếm tài năng thì đã rõ, nhưng liệu đó có phải là giải pháp tốt nhất, khi đa phần các kịch bản từ trại viết rất ít khi có đời sống sân khấu? Một lãnh đạo đơn vị nghệ thuật nhận xét: "Khó chọn được kịch bản hay từ các trại sáng tác vì nhiều kịch bản khi đọc bản thảo thấy thích, nhưng đến lúc dàn dựng lại gặp nhiều chi tiết buộc phải sửa chữa, gia công… Lại có nhiều kịch bản đoạt giải cao ở các cuộc thi nhưng nếu đưa vào dựng thì do nặng về hình thức và cố đạt đến nội dung tư tưởng nên rất kén khán giả". Gần đây, cũng đã có nhiều thay đổi từ phía hội nghề. Mỗi trại đều lựa ra ba kịch bản hay, được các nhà quản lý giới thiệu với các đơn vị nghệ thuật đầu tư để dàn dựng.
Trại sáng tác, bên cạnh việc giao lưu, tiếp lửa cho nhau, cần nhiều hơn nữa những hoạt động thiết thực cho người viết như mời những chuyên gia trong lĩnh vực sân khấu nói chuyện, cập nhật thông tin, gợi mở một số vấn đề của đời sống xã hội…
Lại nhớ đến chia sẻ của cố NSND Đào Mộng Long, người nghệ sĩ đa tài vang danh một thuở: Nghệ thuật chỉ thực sự đạt đến thành công nếu bản thân người nghệ sĩ không lệ thuộc vào điều gì, ngoài chính sự tâm huyết.
Rõ ràng, các nghệ sĩ, các nhà viết kịch bản hôm nay ít nhiều cũng thuận lợi hơn những người đi trước. Vậy mà kết quả, xem ra vẫn còn là mơ ước…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.