Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vấn đề “nóng”: Dồn điền, đổi thửa

Đào Huyền| 02/05/2011 06:53

Đưa cơ giới hóa (CGH) vào sản xuất (SX) phải lập quy hoạch vùng SX, quy hoạch và đầu tư hạ tầng kênh mương thủy lợi, đường nội đồng và hạ tầng thiết yếu cho phát triển SXNN hàng hóa.


Gieo sạ thẳng hàng cho năng suất lúa cao.


Hà Nội đã đưa CGH vào khâu làm đất cho trên 80% diện tích lúa, 60% diện tích các loại đất khác, gieo sạ bằng dàn kéo 6.000ha, đầu tư 20 máy gặt đập liên hợp... Vụ xuân năm 2011, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã xây dựng mô hình "CGH đồng bộ, liên kết và dịch vụ trong SX lúa" tại 4 xã điểm của 4 huyện với quy mô 380ha, có 2.385 hộ tham gia, trong đó xã Thụy Hương (Chương Mỹ) 80ha; 3 xã Phú Phương (Ba Vì), Đa Tốn (Gia Lâm), Mai Đình (Sóc Sơn) mỗi xã 100ha. Khi chưa triển khai mô hình này, các xã chỉ CGH được khâu làm đất, riêng 3 xã Thụy Hương, Đa Tốn, Phú Phương đã thực hiện gieo sạ. Còn lại hầu hết nông dân tự canh tác, chưa có sự liên kết chuyển giao tiến bộ kỹ thuật.

Thực hiện mô hình "CGH đồng bộ, liên kết và dịch vụ trong SX lúa", đến nay 4 xã đã có 19 máy làm đất, 55 bộ công cụ gieo sạ, 19 máy phun thuốc BVTV, 11 máy gặt đập liên hợp… Nhiều địa phương đã đầu tư mua sắm máy móc, từng bước CGH một số khâu. Đáng lưu ý là sự liên kết giữa các hộ đã được hình thành. Hiện, xã Mai Đình hình thành 25 vùng sản xuất/100ha với trên 800 hộ tham gia, xã Đa Tốn 10 vùng sản xuất/100ha với 550 hộ tham gia, xã Phú Phương 20 vùng sản xuất/100ha với 650 hộ tham gia… các nhóm hộ liên kết trong vùng SX các tổ dịch vụ từ làm đất, tưới tiêu, ngâm ủ giống… đã hình thành. Theo các chuyên gia Viện Cơ điện NN và công nghệ sau thu hoạch, việc sử dụng máy gieo sạ theo hàng năng suất lúa tăng từ 15-20%, chi phí giảm từ 5-5,5 triệu đồng/ha. Còn việc gieo sạ bằng dàn kéo tay rất phù hợp với cơ cấu 3 vụ, năng suất tăng trung bình từ 7-10% so với lúa cấy. Kết quả 1ha gieo sạ bằng dàn kéo tay lợi nhuận cao hơn so với phương pháp gieo cấy truyền thống 5 triệu đồng/ha.

Đưa CGH vào SX là hướng đi đúng và là đòi hỏi tất yếu của nền NN đô thị. Tuy nhiên, quá trình CGHNN hiện nay đang vấp phải không ít khó khăn. Theo Tiến sỹ Trần Xuân Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, công tác dồn điền đổi thửa ở Hà Nội hiện nay không đơn giản vì quỹ đất luôn bị biến động bởi nhu cầu phát triển công nghiệp, đô thị. Người dân không muốn dồn điền đổi thửa vì chờ... đền bù. Hiện ở Hà Nội, bình quân 31 khẩu/ha, tức là mỗi người chưa được 300m2 đất ruộng. Với diện tích nhỏ như vậy khó có thể đưa máy móc vào đồng ruộng. Ông Lê Đăng Minh, Chủ tịch UBND xã Mai Đình, Sóc Sơn cho biết, do tập quán canh tác manh mún nhỏ lẻ, một số người dân chưa hiểu, ngại sự thay đổi nên việc áp dụng CGH còn gặp nhiều khó khăn. Vấn đề hiện nay là phải tuyên truyền vận động nhân dân liên kết phá bờ thửa để dồn thành ô lớn. Đồng thời liên kết các nhóm hộ trong quá trình SX từ khâu làm đất đến thu hoạch.

Phó Chủ tịch UBND TP Trịnh Duy Hùng: Bước đi cần thiết hướng tới nền nông nghiệp hiện đại
Để đẩy nhanh CGHNN, Hà Nội đang quy hoạch phát triển CGH và chế biến nông sản để nâng cao hiệu quả SXNN. Đồng thời, thực hiện chính sách vay vốn ưu đãi cho đầu tư công nghệ và trang thiết bị phục vụ SX đến hộ dân, hình thành các cụm, điểm tiểu công nghiệp để khuyến khích việc nghiên cứu, chế tạo, cải tiến các công cụ, thiết bị phục vụ SX. Mô hình thành công từ 4 xã điểm cần được nhân rộng có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm lao động ở nông thôn để chuyển sang SX ngành nghề khác, tăng hiệu quả kinh tế. Đó là bước đi cần thiết, hướng tới một nền NN hiện đại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vấn đề “nóng”: Dồn điền, đổi thửa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.