Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vấn đề năng lượng giữa Nga - EU: Lún sâu trong bất đồng

Quỳnh Chi| 24/12/2012 07:15

(HNM) - Đúng như dự đoán của các nhà phân tích Cựu lục địa, tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 30 diễn ra tại Brussels (Bỉ) cuối tuần qua, Nga và Liên minh Châu Âu (EU) đã không tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề song phương và quốc tế.



Từ trái qua phải: Tổng thống Nga V.Putin, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Herman Van Rompuy, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jose Manuel Barroso tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga-EU lần thứ 30.

Hiện tại, với hệ thống đường ống dẫn dầu dài khoảng 150.000km, Nga gần như chi phối hầu hết các hệ thống ống dẫn dầu khí phân bố rộng khắp, xuyên suốt lãnh thổ Châu Âu, nhất là hai hệ thống North Stream (Dòng chảy phương Bắc) và South Stream (Dòng chảy phương Nam) được hoàn thành gần đây. Hai dòng chảy này khi đi vào hoạt động ổn định sẽ là một lợi thế không nhỏ của nước Nga trong cuộc đua năng lượng trong khi dự án đường dẫn khí Nabucco do EU hậu thuẫn - được cho là "đối thủ cạnh tranh tiềm tàng" với các dòng chảy của Nga vẫn đang dậm chân tại chỗ. Nói một cách khác, năng lượng đang được Mátxcơva sử dụng như một con bài cạnh tranh chiến lược quan trọng nhất hiện nay với những người bạn cùng châu lục. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, Nga coi năng lượng như một đòn bẩy chính trị thiết yếu có thể gây ảnh hưởng với Châu Âu.

Cùng với đó, tốc độ mở rộng hoạt động ào ạt của Tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom đã tăng dung lượng các kho dự trữ ngầm của xứ Bạch dương lên 2 lần. Mục tiêu đến năm 2015, tổng khối lượng khí đốt dự trữ của Nga có thể đạt tới 4,9 tỷ mét khối và trong năm 2016 có thể đạt tới 6,5 tỷ mét khối. Đây là một con số chỉ báo an ninh năng lượng của Nga trước bất kỳ một cuộc chiến năng lượng nào trong tương lai gần. Ngoài ra, Gazprom đang không ngừng bỏ tiền đầu tư, mua lại cổ phần từ các công ty phụ trách cơ sở hạ tầng cung cấp khí đốt tại EU. Điều này được minh chứng qua việc hiện Gazprom đã sở hữu 35% cổ phần trong Công ty Phân phối khí đốt Wingas (Đức), 10% trong đường ống xuyên quốc gia giữa Bỉ-Anh và nhiều cổ phần trong các công ty phân phối khí đốt lớn của một số nước vùng Baltic...

Từ những can dự năng lượng táo bạo này, Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) đã đưa ra nhận định rằng "năm 2035, Nga sẽ là quốc gia sản xuất khí đốt lớn nhất và là nguồn chính cho sự gia tăng cung cấp khí đốt của thế giới", và gọi Nga là "nền tảng của hệ thống năng lượng thế giới trong những thập kỷ tới". Trong bối cảnh như vậy, EU đã không ngừng tìm cách để giảm thiểu ảnh hưởng Nga trong lĩnh vực năng lượng. Đây chính là nguyên nhân khiến năng lượng luôn trở thành chủ đề nhức nhối trong quan hệ Nga - EU thời gian gần đây.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi năng lượng được bàn thảo nhiều nhất tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga - EU. Và cũng dễ hiểu tại sao ngay trong phiên họp đầu tiên với các nhà lãnh đạo EU kể từ khi tái đắc cử hồi tháng 5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không ngần ngại nêu rõ quan điểm về việc Ủy ban Châu Âu (EC) hồi tháng 9 mở cuộc điều tra về những vi phạm luật cạnh tranh nhằm vào Gazprom của Nga gồm: lạm dụng vị thế thống trị trên các thị trường cung ứng khí đốt tại Trung và Đông Âu bằng cách chia cắt thị trường và cản trở "dòng khí đốt tự do tới Châu Âu"; thiết lập các rào cản đối với việc đa dạng hóa cung ứng năng lượng tới EU và áp đặt giá khí đốt với người tiêu dùng. Đồng thời, Mátxcơva cũng mạnh mẽ chỉ trích EC dự kiến "nghiên cứu" thị trường năng lượng các nước Trung và Đông Âu, nơi Gazprom cung cấp ít nhất 2/3 lượng khí đốt vì cho rằng ông lớn Gazprom đang cản trở cạnh tranh tại Bulgaria, CH Séc, Estonia, Hungary, Latvia, Litva, Ba Lan và Slovakia. Theo luật Châu Âu, nếu vi phạm các tiêu chuẩn cạnh tranh có thể bị phạt tới 10% doanh thu/năm, trong trường hợp của Gazprom sẽ là hơn 10 tỷ euro. Tổng thống V.Putin cho rằng, hành động này là sự phân biệt đối xử của EU với các doanh nghiệp Nga. Thậm chí, ông chủ Điện Kremlin còn cáo buộc EC đang ép Gazprom phải chịu một phần gánh nặng "trợ cấp" cho những quốc gia kinh tế yếu kém ở Đông Âu.

Theo các nhà phân tích, cuộc điều tra chống độc quyền của EU vừa bắt đầu với Gazprom và thái độ cứng rắn của Nga dự báo sẽ đẩy quan hệ Nga-EU lún sâu vào bất đồng trên mặt trận năng lượng trong khi các "hợp tác" về tên lửa vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vấn đề năng lượng giữa Nga - EU: Lún sâu trong bất đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.