Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vấn đề là hiệu quả thực tế…

Tuấn Lương| 30/05/2014 06:21

(HNM) - Dữ liệu trích xuất từ thiết bị giám sát hành trình cho thấy, tình trạng lái xe chạy quá tốc độ, lái xe quá thời gian quy định vẫn đang diễn ra nhức nhối.

Báo động "đỏ"

Ngày 1-3, Trung tâm Dữ liệu GSHT đi vào hoạt động. Với trung tâm này, dữ liệu hộp đen do các đơn vị lắp đặt trên các phương tiện vận tải sẽ phải truyền liên tục về máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN). Mỗi phương tiện chạy trên đường có lắp thiết bị định vị GPS sẽ được giám sát liên tục bằng một biểu đồ riêng, thể hiện rõ 5 thông tin trong toàn bộ thời gian thiết bị hoạt động, gồm: Tốc độ, thời gian làm việc của tài xế, hành trình, số lần đóng mở cửa, thời gian và số lần dừng đỗ xe… Nếu xe vượt quá tốc độ, sẽ phát tín hiệu. Để kiểm tra phương tiện, giám sát viên chỉ việc nhấp chuột vào biển số xe vi phạm.

Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội kiểm tra việc lắp đặt và sử dụng thiết bị giám sát hành trình.


Theo thống kê, đến nay có hơn 50.000 phương tiện đã truyền dữ liệu về máy chủ Trung tâm GSHT. Số còn lại, khoảng 4.000 phương tiện, chưa kết nối thiết bị GSHT với trung tâm, thuộc các đơn vị vận tải có quy mô nhỏ, đội ngũ kỹ thuật yếu hoặc các đơn vị đã bị thu hồi giấy chứng nhận hợp chuẩn. Kết quả sau hơn 2 tháng theo dõi cho thấy, tỷ lệ lái xe vi phạm tốc độ và vi phạm về thời gian làm việc vẫn đang ở mức báo động.

Ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, theo quy định hiện hành, các phương tiện phải gắn thiết bị GSHT là xe chở khách từ 30 chỗ trở lên và xe đầu kéo chở container. Đây là những loại xe quá khổ, quá tải hoặc chở nhiều hành khách.

Do đó, những vi phạm tốc độ trên là rất đáng báo động, phải chấn chỉnh ngay.

Nặng hơn phạt tiền

Bộ GTVT đã yêu cầu các DN vận tải lắp đặt thiết bị GSHT trên phương tiện từ các năm trước, chủ yếu để phục vụ công tác quản lý, giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và của chính DN. Trong giai đoạn đầu, cơ quan chức năng chưa xử phạt đối với phương tiện cũng như DN vận tải thông qua thông tin trích xuất từ thiết bị GSHT. Tuy nhiên, trước tình trạng vi phạm diễn biến phức tạp, trong khi không ít DN lắp đặt thiết bị GSHT với tư tưởng đối phó, chủ trương của Bộ GTVT là xử lý nghiêm. Đến thời điểm này, hệ thống kỹ thuật và quy định pháp lý đã tương đối bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý được hiệu quả. Tới đây, thay vì chỉ tập trung xử phạt trực tiếp lái xe, lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm DN vận tải qua thông tin trích xuất từ thiết bị GSHT. Theo các chuyên gia, cách làm này sẽ giải quyết được phần "gốc" chứ không chỉ chặt phần "ngọn" là xử lý lái xe trên đường như các giai đoạn trước.

Các dữ liệu có trong Trung tâm Dữ liệu GSHT có hiển thị vi phạm diễn ra tại tất cả địa phương. Các sở GTVT được cấp mật khẩu để giám sát tín hiệu từ thiết bị GSHT của các DN trên địa bàn. Trên cơ sở theo dõi hoạt động vận tải qua cơ sở dữ liệu này, các cơ quan quản lý từ Tổng cục ĐBVN, các sở GTVT sẽ nhắc nhở, chấn chỉnh, yêu cầu DN vận tải khắc phục vi phạm; đồng thời, qua đây, tổng cục có thể tiến hành thanh tra đột xuất hoạt động của DN có nhiều vi phạm.

Theo ông Khuất Việt Hùng - Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), Bộ GTVT sẽ triển khai xử phạt thông qua trích xuất thông tin từ thiết bị GSHT từ tháng 6-2014 với những chế tài nặng như tước phù hiệu chạy xe, tước giấy phép kinh doanh vận tải… Các hình thức này được đánh giá là nặng hơn cả phạt tiền.

Tuy vậy, vấn đề nằm ở chỗ hiệu quả thực tế sẽ như thế nào?

Theo thống kê trong tháng 4-2014, đã có gần 20.000 xe ô tô với hơn 1,1 triệu lượt vi phạm tốc độ. Trong đó, có tới trên 67.000 lượt (chiếm 6,1%) chạy quá tốc độ từ 20km/h trở lên và 305.000 lượt (chiếm 27%) chạy quá tốc độ 10-20km/h. Trung bình cứ 1.000km, lái xe vi phạm tốc độ 9,3 lần. 10 địa phương có số lượt phương tiện vi phạm tốc độ nhiều nhất là: TP Hồ Chí Minh (523.000 lượt), tiếp đó là Hà Nội (với gần 62.000 lượt), Bình Thuận (gần 44.000 lượt), Đà Nẵng (gần 42.000 lượt). Về thời gian làm việc, cũng trong tháng 4-2014, có tổng số gần 8.000 lần lái xe vi phạm thời gian lái xe liên tục quá 4 giờ và gần 2.000 lượt lái xe vi phạm quy định làm việc quá 10h/ngày.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vấn đề là hiệu quả thực tế…

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.