(HNM) - Nhà văn Lê Văn Thảo vừa được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho tiểu thuyết "Con đường xuyên rừng" và "Tuyển tập truyện ngắn". Câu chuyện dưới đây chỉ là đôi nét phác thảo về một ngày, một đời văn của nhà văn Nam bộ hết lòng với văn học cách mạng nước nhà.
Ông vốn là chàng sinh viên Ban Toán, Đại học Khoa học Sài Gòn, thoát ly vào chiến khu theo kháng chiến và được phân công làm dân công tải đạn, cầm súng, làm công tác văn hóa văn nghệ, rồi viết văn dưới sự hướng dẫn của nhà văn Anh Đức. Kể từ tác phẩm đầu tiên viết về đề tài nông thôn Nam bộ và chiến tranh du kích vào năm 1965, đến nay, Lê Văn Thảo đã có một "gia sản" văn chương khá giàu có, tiêu biểu là các tập truyện ngắn, tiểu thuyết: Đêm Tháp Mười (1972); Ông cá hô (1995); Một ngày và một đời (1997); Con mèo (1999); Cơn giông (2002); Truyện ngắn chọn lọc (2003), Con đường xuyên rừng...
Nhà văn Lê Văn Thảo và một số tác phẩm. |
Ông đã hai lần được nhận giải thưởng loại A về tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Đông Nam Á năm 2006, Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2007… Và gần đây nhất là Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT năm 2012.
"Quyền lực" của nhà văn
Khi còn đương chức là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (2005-2010), Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh (2000-2010), thì một ngày của ông như bao người cầm bút, lấy nghiệp văn chương làm mục đích chính của mình. Ông từng hài hước, nhưng cũng rất chân thật kiểu "người Nam bộ" khi ai đó hỏi ông về chức vụ: "Tôi nhớ nhà văn Gamzatop, Chủ tịch Hội Nhà văn nước Cộng hòa Gruzia (Liên bang Xô viết cũ) đã nói: "Làm Chủ tịch Hội Nhà văn là làm cái gì? Không làm cái gì cả". Hội là nơi gặp gỡ, trao đổi, tổ chức các cuộc hội thảo nghề, đi thực tế… kích thích sáng tác. Còn viết là công việc của mình, không ai làm thay. "Quyền lực" của tôi cũng chỉ là tượng trưng mà thôi".
Không phải người thích "hội hè đình đám" nhưng ông không vắng mặt trong nhiều cuộc đi thực tế, cho dù có lúc sức khỏe không tốt. Với ông, để viết được những trang viết "thật" như cuộc sống thật, phải đi, phải nhìn, nghe, ngẫm, nghĩ…
Ông nói: "Cũng khó mà có một thời gian biểu rõ ràng cho một người cầm bút như tôi. Nhưng điều quan trọng nhất không phải là ngày hôm đó làm những việc gì, mà là những việc mình làm có ý nghĩa không. Điều quan trọng với nhà văn là tính chân thực. Một chút phô trương, giả dối, làm dáng trong văn chương là hỏng. Nhà văn có tài là người biết bỏ cái gì chứ không phải viết cái gì. Nhà văn đâu chỉ nên miêu tả một cách khách quan, lạnh lùng về nhân vật và diễn biến sự việc. Nhà văn còn phải biết lắng cảm xúc, biết gạn lọc, không đứng ngoài, đứng trên sự thật, tác phẩm mới hay, thuyết phục được bạn đọc".
Viết "như không"!
Tác phẩm của Lê Văn Thảo rất "dễ" đọc, vì tính bình dị, chân phương, bất kể thành phần nào cũng đồng cảm được. Làm được như thế phải sống một đời sống với người, với đời sâu sắc lắm!
Ông chia sẻ: "Văn chương với tôi là lẽ sống, là nỗi niềm, thân phận, lương tâm, những trải nghiệm cuộc đời và đôi điều suy tư từ những năm tháng sống, trải lòng với mọi người. Tôi viết từ những thực tế đã sống qua, đồng hành với nhân dân mình trong công cuộc lao động và chiến đấu. Tôi gần gũi nhiều hơn với những người bình thường, những người nghèo khổ, dân dã, những người có thân phận hẩm hiu, bất hạnh. Tôi viết chậm rãi, tự nhiên, coi lao động nghề văn cũng lao tâm khổ tứ như mọi nghề khác. Tôi viết từ thôi thúc của bản thân cũng là thôi thúc của cuộc đời. Được lao động sáng tác, được trăn trở, miệt mài trên trang viết với nhân vật, đó là hạnh phúc văn chương mang lại cho tôi".
Có một nhận xét về phong cách văn chương của nhà văn Lê Văn Thảo: "Biết cách trộn lẫn giữa fiction (hư cấu) và non fiction (phi hư cấu), với chất humour (hài hước) đặc thù Nam bộ mà không dùng phương ngữ, Lê Văn Thảo là một trong số ít nhà văn Việt Nam viết truyện ngắn đạt đến trình độ "như không". Viết như không và sống như chơi". Về tiểu thuyết của ông, cũng có một nhận xét khác: "Nghệ thuật dựng truyện của ông cũng giản dị. Nhiều truyện ngắn, nếu ông Thảo viết kỹ hơn, dựng truyện cho quy mô hơn thì gọi là tiểu thuyết cũng được và ngược lại. Bố cục tiểu thuyết của ông, giống như là những mảng tươi rói của cuộc sống được lắp ghép không cần mộng mẹo…"
Con người suốt đời gắn bó với cuộc sống, với trang viết ấy đã gửi gắm nỗi niềm băn khoăn cho dù đã gặt hái được không ít thành công: "Văn dĩ tải đạo". Văn chương Việt Nam hiện tại có nhiều biến chuyển, rất nhiều tác phẩm văn học của nhiều thế hệ cùng song hành, nhưng vẫn thiếu những tác phẩm thực sự mang tính thời đại, mang tính tiêu biểu cho một thế hệ, một tầng lớp xã hội hay mang tính dự báo tương lai… Vẫn hy vọng sẽ có một hay nhiều tác phẩm như thế, nhưng chưa thấy. Ngoài ra, như một ước mơ, văn học Việt Nam đương đại sẽ có những tác phẩm đồ sộ về những cuộc chiến của dân tộc!"
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.