(HNM) - Trước những biến động của thị trường lương thực, thực phẩm thế giới, việc đưa cây trồng biến đổi gen vào sản xuất nông nghiệp là giải pháp tối ưu để giải bài toán an ninh lương thực. Tuy nhiên, diện tích, chủng loại cây biến đổi gen ở nước ta hiện còn thấp.
Lúa là một trong ba loại cây trồng biến đổi gen đã có mặt ở Việt Nam. Trong ảnh: Tham quan mô hình giống lúa mới tại huyện Chương Mỹ. Ảnh: TTXVN |
Những đòi hỏi cấp bách
Việt Nam là nước xuất khẩu gạo thứ hai thế giới sau Thái Lan, nhưng xét về mặt an ninh lương thực, Việt Nam mới đáp ứng cấp quốc gia, chưa đáp ứng cấp hộ gia đình. Đó là nhận định của Tổ chức Lương nông của Liên hợp quốc (FAO). Kết quả khảo sát của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho thấy, diện tích gieo trồng hằng năm giảm khoảng 70.000ha, trong khi đó dân số Việt Nam tăng gần 1 triệu người. Với tốc độ tăng dân số tự nhiên, theo ước tính đến năm 2020, Việt Nam sẽ cần khoảng 50 triệu tấn ngũ cốc, đến năm 2050 con số này tăng lên là 80 triệu tấn. Còn theo Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc, Việt Nam được biết đến là một nước nông nghiệp nhưng phải bỏ ra không ít tiền để nhập khẩu 70% nguyên liệu ngô, đậu nành... phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi. Tương tự, trong công nghiệp, nhất là lĩnh vực dệt may, hiện nay, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 90% lượng bông nguyên liệu. Những thách thức đó, đòi hỏi Việt Nam phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào nông nghiệp bằng việc đưa cây trồng biến đổi gen trên cây trồng, vật nuôi để giải bài toán an ninh lương thực và thích ứng với những biến đổi của khí hậu.
Chưa được quan tâm đầy đủ
Cây trồng biến đổi gen đã được các nước thương mại hóa từ thập niên 90 của thế kỷ trước. Hiện có 25 quốc gia sản xuất cây trồng biến đổi gen với diện tích khoảng 150 triệu hécta, chiếm 9% tổng diện tích đất trồng trên thế giới và hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ đã công nhận việc nhập khẩu cây trồng chuyển gen để thiêu thụ, sản xuất. Trong số các quốc gia trồng cây biến đổi gen, có tới 77% diện tích là cây đậu nành, 49% cây bông vải, 26% cây bắp và 21% cây cải dầu sử dụng giống chuyển gen. Các quốc gia phát triển nhanh cây trồng biến đổi gen có thể kể đến Trung Quốc, Brazil, Chile, Argentina, Mỹ, Canada, Australia, Ấn Độ, Philippines.
Cục trưởng Nguyễn Trí Ngọc cho rằng, không những nâng cao sản lượng, lợi nhuận, cây trồng biến đổi gen còn giảm được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Dự báo đến năm 2015, có thêm 15 quốc gia và vùng lãnh thổ cho phép trồng cây chuyển gen với diện tích lên đến 200 triệu hécta, chủ yếu là ngô, đậu tương, bông vải, thuốc lá, cà tím, cà chua, đu đủ... PGS.TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam nhận định, với những lợi ích về kinh tế, chúng ta nên tránh tâm lý e ngại việc ứng dụng cây trồng biến đổi gen. Về mặt khoa học, nếu làm theo quy trình an toàn sinh học như hiện nay sẽ bảo đảm an toàn tuyệt đối. Hiện nay, ở Việt Nam mới chỉ hiện diện có ba cây trồng biến đổi gen là lúa, ngô, bông và một tỷ lệ nhất định các sản phẩm biến đổi gen đã có mặt trong thức ăn chăn nuôi là quá thấp. Mặc dù từ ngày 11-1-2006, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/2006/QĐ-TTg đưa ra kế hoạch phát triển cây trồng biến đổi gen ở Việt Nam với 3 giai đoạn: giai đoạn 2006-2010 thử nghiệm một số giống cây trồng biến đổi gen trên đồng ruộng; giai đoạn 2011-2015 đưa một số giống vào sản xuất; đến năm 2020 tăng diện tích một số giống như ngô, bông, đậu tương... từ 30-35% trên toàn quốc nhưng đến nay vẫn chưa có cuộc sơ kết nào về vấn đề này và chưa có con số chính xác về diện tích trồng cây biến đổi gen ở nước ta.
GS Võ Tòng Xuân khẳng định, để thúc đẩy sản xuất hàng hóa lớn, cần ứng dụng nhanh cây trồng biến đổi gen kết hợp với sản xuất truyền thống, nhưng phải thông báo rộng rãi kiến thức về cây trồng tới các nhà lập pháp, nhà khoa học và nông dân... tạo bước đột phát mạnh mẽ trong nông nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.