Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn cảnh “treo” chuồng và “bán tháo”

Quỳnh Dung| 23/07/2012 06:51

(HNM) - Hiện nay, giá thịt gia súc, gia cầm trên thị trường giảm tới 20-30%, khiến cho ngành chăn nuôi đình đốn, hàng loạt trang trại (TT) không có vốn để tái đàn phải


Cục Chăn nuôi (Bộ NN& PTNT) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2012, tổng sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 2,6 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi trong cả nước đang gặp nhiều khó khăn do giá giảm mạnh 20-30% khiến các TT luôn trong tình cảnh khốn đốn. Nhiều TT phải treo chuồng, những TT tiếp tục sản xuất thì phải giảm quy mô đàn 20-25% so với cùng kỳ năm 2011. Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Thanh Sơn, tình trạng trên có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do sự phát triển quá nóng, không theo quy hoạch ở các địa phương. Cùng thời điểm này năm 2011, người chăn nuôi lợn và gia cầm thắng lớn nên nông dân ồ ạt nuôi khiến cho cung vượt cầu. Chủ tịch UBND xã Ba Trại (Ba Vì) Đinh Công Sử cho biết, chỉ trong vòng hai năm nay, cả xã đã có 170 TT chăn nuôi lợn, gia cầm, trung bình mỗi trại có từ 5.000 đến 6.000 con. Thời gian gần đây, giá gia cầm giảm mạnh, khiến người nuôi lỗ 5.000-6.000 đồng/kg. Vì thua lỗ nên từ đầu năm đến nay đã có 50% TT trên địa bàn xã "treo chuồng", dự kiến đến cuối năm sẽ có 70% TT bỏ chuồng. Những TT có vốn tiếp tục đầu tư cũng chỉ dám tái đàn cầm cự, hơn một tháng nay cả xã chỉ có 25 TT vào giống để chăn nuôi tiếp.

Một nguyên nhân nữa khiến nông dân thêm thua thiệt là do sự ép giá của thương lái, khâu trung gian này hiện quyết định tới 80% giá sản phẩm bán ra của người chăn nuôi. Giá mua tại trại rất rẻ nhưng đến tay người tiêu dùng cao hơn 5-6 lần. Chẳng hạn như giá gà công nghiệp mua tại trang trại là 25.000-26.000 đồng/kg, nhưng bán tại các chợ đầu mối là 33.000 đồng/kg và đến tay người tiêu dùng là 45.000-50.000 đồng/kg. Theo ông Đinh Công Sử: Khi giá gia súc, gia cầm giảm là cơ hội để thương lái ép người chăn nuôi bằng cách thu mua nhỏ giọt, chỉ mua hàng loại 1, trong quá trình cân thường trừ hao bao bì lớn hoặc tung tin thị trường ế ẩm, giá cả tụt dốc để người chăn nuôi lo ngại bán tống bán tháo sản phẩm.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Ba Trại Nguyễn Huy Hùng cho biết, để chống thương lái ép giá, các địa phương cần phải có một tổ chức tập hợp liên kết người chăn nuôi với nhau ở khâu tiêu thụ. Ở xã Ba Trại, ngoài Ban chỉ đạo chăn nuôi xã và các chi hội chăn nuôi thôn, đầu năm nay, xã còn thành lập thêm "Tổ tiêu thụ" làm nhiệm vụ tư vấn về tình hình giá cả thị trường và làm việc trực tiếp với các thương lái để tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Trung bình một ngày ở xã xuất khoảng 20 vạn con gà, việc thành lập tổ tiêu thụ này đã không chỉ chống ép giá của thương lái mà còn điều tiết hợp lý việc xuất gà giữa các hộ cho phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích cho người chăn nuôi.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần cho rằng, về lâu dài, ngành chăn nuôi cần tổ chức lại sản xuất, các địa phương phải quy hoạch được khu chăn nuôi tập trung quy mô lớn, nhưng phải phát triển có lộ trình, tránh tình trạng đầu tư ồ ạt để giảm thiểu rủi ro. Cần đẩy mạnh mối liên kết "4 nhà" trong tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ người chăn nuôi tham gia các hội chợ thương mại để giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm các hợp đồng bán hàng. Đặc biệt, để chống lại tình trạng tư thương ép giá, người chăn nuôi cần liên kết lại với nhau thành lập các hiệp hội chăn nuôi, HTX để từng bước bán hàng trực tiếp cho DN, nâng cao giá trị đầu ra cho sản phẩm, hạn chế mức thấp nhất bán hàng cho thương lái.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẫn cảnh “treo” chuồng và “bán tháo”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.