Theo dõi Báo Hànộimới trên

Văn bản: Nhiều nhưng… vẫn thiếu

Phong Thu| 05/12/2010 06:24

(HNM) - Nhằm duy trì kết quả của đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) giai đoạn 2007-2010 (đề án 30), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát TTHC (có hiệu lực thi hành từ ngày 14-10-2010), thiết lập cơ chế pháp lý cho hoạt động kiểm soát TTHC từ khâu dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) cho đến việc thực thi các quy định trên thực tế.

Để thực thi Nghị định này, mỗi cấp phải thành lập một đơn vị kiểm soát TTHC. Tuy nhiên, Nghị định 63/2010/NĐ-CP đã có hiệu lực được hơn một tháng mà các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vẫn chưa thể thành lập Phòng Kiểm soát TTHC bởi vẫn chưa có thông tư hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, biên chế, quản lý và sử dụng nguồn kinh phí nào cho bộ phận này. Đây cũng là lý do khiến tổ công tác thực hiện Đề án 30 của các đơn vị, địa phương vẫn phải "kiêm" nhiệm vụ thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC. Đặc biệt, thời hạn đã cận kề mà nguyên tắc "một văn bản sửa nhiều văn bản" được nêu ra trong Nghị định 63 rất khó thực hiện (theo yêu cầu, trước ngày 31-12-2010, cơ quan đã ban hành văn bản sử dụng phương pháp dùng một VBQPPL để sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ TTHC quy định trong nhiều VBQPPL do chính cơ quan đó ban hành). Theo các chuyên viên, đây là việc chưa có tiền lệ nên khi thực hiện, cán bộ rất lúng túng. Trong khi đó, một thủ tục thường bị chế tài bởi nhiều văn bản của các cơ quan, thậm chí liên quan đến các bộ, ngành trung ương nên một văn bản sửa nhiều văn bản là việc rất phức tạp. Sau quá trình rà soát TTHC (giai đoạn 2 Đề án 30), thành phố Hà Nội kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ 217 TTHC thuộc thẩm quyền ban hành của UBND thành phố. Trong đó, đa phần thủ tục sửa đổi, bổ sung nằm ở các văn bản có liên quan đến bộ, ngành trung ương nên dù thành phố tích cực thực hiện thì cũng khó bảo đảm tiến độ thời gian vì đến nay các bộ, ngành trung ương vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Như vậy, một việc tưởng rất đơn giản là cấp nào thì sửa văn bản thuộc thẩm quyền cấp đó ban hành nhưng rõ ràng là không thể tự mình giải quyết bởi thực tế có nhiều quyết định, văn bản do cấp này ban hành nhưng được căn cứ trên các quyết định, văn bản của cấp khác. Tương tự, với thực tế một văn bản thường có sự liên quan của nhiều cơ quan như hiện nay thì khó cả trong việc "một văn bản sửa một văn bản " chứ chưa nói đến "một sửa nhiều".

Mới đây, Cục Kiểm soát TTHC trực thuộc Văn phòng Chính phủ đã được thành lập để thực hiện kiểm soát TTHC và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC trong phạm vi cả nước. Điều đó phần nào đáp ứng sự mong đợi của người dân. Song, để thực thi hiệu quả việc kiểm soát TTHC trên phạm vi tất cả các cấp, các ngành thì các cơ quan chức năng cần sớm có thông tư hướng dẫn cũng như lên kế hoạch tổ chức tập huấn cụ thể để cán bộ không bị lúng túng khi thực hiện một việc chưa có tiền lệ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Văn bản: Nhiều nhưng… vẫn thiếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.