(HNM) - Những ngày cuối năm 2017, một thông tin rất vui đối với ngành Nông nghiệp nước nhà là sản lượng rau, củ, quả xuất khẩu đã đạt hơn 3,514 tỷ USD, tăng 43% so với cùng kỳ 2016, lần đầu vượt dầu thô về giá trị xuất khẩu...
Rõ ràng với những thay đổi mạnh mẽ ngay từ tư duy, hệ thống sản xuất sản phẩm nông nghiệp ngày càng chuyên nghiệp, dễ truy xuất nguồn gốc, bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng... đang mang lại hiệu quả rõ rệt, là tiền đề quan trọng để ngành Nông nghiệp tiến tới chuyên nghiệp hóa, bảo đảm nguồn cung bền vững cho thị trường, cả trong nước và xuất khẩu.
Không nằm ngoài xu hướng của cả nước, TP Hà Nội đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, vệ sinh an toàn thực phẩm. Hà Nội được biết tới với nhiều loại nông sản đặc sắc và thực tế đã có 13 sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu. Đây được xem là những bước quan trọng trong xây dựng thương hiệu nông sản.
Có thể thấy, phát triển sản phẩm chủ lực là yêu cầu cấp thiết nhằm tăng khả năng cạnh tranh của nông sản, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế vượt trội của địa phương. Tuy nhiên, làm thế nào để có thay đổi cơ bản về chiến lược, tạo “cú hích” mới trong sản xuất, phát triển bền vững là điều không dễ.
Thực tế, việc xây dựng sản phẩm chiến lược phải dựa trên cơ sở liên kết được sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Vì vậy, để phát triển mặt hàng nông sản chủ lực đi đúng hướng, ngành Nông nghiệp và địa phương cần chú trọng công tác quy hoạch chi tiết, làm nổi bật được sản phẩm chiến lược của địa phương mình và của thành phố. Đặc biệt lưu ý vào 3 trục sản phẩm: Thứ nhất là sản phẩm chủ lực quốc gia; thứ hai là nhóm sản phẩm cấp tỉnh; và thứ ba là nhóm sản phẩm cấp vùng miền, những đặc sản nhưng có quy mô nhỏ.
Để đạt được mục tiêu đặt ra, đòi hỏi phải có những bước đi cụ thể nhằm tạo nền móng bền vững cho nông sản Hà Nội. Khi định dạng, hình thành các mặt hàng chủ lực nhất thiết phải có vùng sản xuất tập trung, phải có doanh nghiệp làm nòng cốt. Đặc biệt phải vận dụng, tiếp thu nhiều tiến bộ khoa học công nghệ, kịp thời đánh giá chính sách tác động, nhất là khâu tổ chức sản xuất, cần hình thành chuỗi doanh nghiệp, hợp tác xã để tập trung sự liên kết.
Hiện nay, có thực tế là ngay tại Hà Nội, quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp của các địa phương có phần na ná nhau, kiểu như "quy hoạch trồng hoa, rau an toàn, cây ăn quả..." dẫn đến thiếu sự đầu tư trọng tâm, cung vượt cầu, khiến "đầu ra" bấp bênh, thiếu ổn định. Chưa kể, không ít nơi vẫn đang loay hoay với việc xác định cây, con chủ lực để tập trung nguồn lực đầu tư phát triển nên hiệu quả chưa như mục tiêu đặt ra. Trong khi đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi không phải muốn là làm ngay được, mà đòi hỏi phải có lộ trình lâu dài, ưu tiên đầu tư sản phẩm thế mạnh của từng địa phương, không để trùng lặp. Ngoài ra, khi tham gia vào chuỗi giá trị quốc gia, toàn cầu, người nông dân cũng phải xác định được nên tham gia khâu nào để thu được lợi ích tối đa và mang về giá trị nhiều nhất...
Tháng 8-2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, theo đó nông, thủy sản vẫn được coi là mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Bên cạnh đó, Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” cũng đặt ra các nhiệm vụ giúp đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân. Hy vọng rằng, với những định hướng, chỉ đạo sát sao này, nông nghiệp Hà Nội sẽ có những đột phá, khẳng định vai trò trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.