Trong top 5 ngân hàng đạt lợi nhuận cao nhất hệ thống năm 2023, có sự góp mặt của 4 ngân hàng có vốn Nhà nước, gồm Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).
Nhóm “Big4” này là những ngân hàng "xương sống" của nền kinh tế khi tiên phong cung ứng vốn, giảm lãi suất và thực hiện những chủ trương lớn của Chính phủ.
Tăng trưởng lợi nhuận, tiên phong cung ứng vốn
Năm 2023, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đạt lợi nhuận hợp nhất trước thuế 41.244 tỷ đồng, tăng 10,4% so với năm 2022. Lãnh đạo Vietcombank cho biết, động lực tăng trưởng lợi nhuận của Vietcombank đến từ việc giảm được chi phí dự phòng rủi ro. Tổng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Vietcombank giảm từ 9.464 tỷ đồng trong năm 2022 xuống còn 4.565 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản Vietcombank đạt hơn 1,839 triệu tỷ đồng, tăng 1,4% so với hồi đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng trên 1,270 triệu tỷ đồng, tăng 10,9%. Huy động tiền gửi khách hàng tăng 12,2%, lên gần 1,396 triệu tỷ đồng, với tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn ở mức 35,2%.
Còn với VietinBank, ngân hàng luôn phát huy vai trò tiên phong trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế, đồng hành cùng khách hàng. VietinBank liên tục triển khai các chương trình tín dụng, miễn, giảm lãi, phí cùng các giải pháp tài chính ưu việt.
Dư nợ tín dụng VietinBank tăng trưởng trong nhóm cao nhất toàn ngành Ngân hàng, đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng hơn 15,6% so với năm 2022. Nguồn vốn huy động đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 13,7% so với cuối năm 2022.
Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank Trần Minh Bình cho biết, với tinh thần sẻ chia vì cộng đồng, VietinBank đã dành 300 tỷ đồng để thực hiện công tác an sinh xã hội, mang tới những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.
Nhận định năm 2024, nền kinh tế bắt đầu một chu kỳ mới với nhiều yếu tố biến động, thách thức, tuy nhiên cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội mới, ông Trần Minh Bình khẳng định, VietinBank sẽ tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo, dẫn dắt thị trường và đi đầu thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước. Trong đó, dành nguồn lực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.
BIDV đạt tổng tài sản 2,3 triệu tỷ đồng. Tổng tài sản của ngân hàng này đạt 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 8,5% so với đầu năm và giữ vững top 1 toàn ngành ngân hàng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng trưởng 16,8%, lên 1,78 triệu tỷ đồng, cũng dẫn đầu toàn ngành với tăng trưởng dư nợ tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy, công nghiệp chế biến chế tạo và dịch vụ. Tiền gửi khách hàng tăng trưởng 15,7%, đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng.
Theo đó, năm 2024, BIDV phấn đấu hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm với dư nợ tín dụng tăng 14%; huy động vốn điều hành phù hợp với sử dụng vốn, bảo đảm an toàn thanh khoản...
Trong nhóm các ngân hàng có vốn Nhà nước, Agribank cũng có một năm “rực rỡ” khi đạt lợi nhuận trước thuế 25.300 - 25.400 tỷ đồng, tăng 14,5 - 15% so với năm trước đó. Lãnh đạo Agribank cho biết, tổng tài sản của Agribank vượt mốc 2 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,88 triệu tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,55 triệu tỷ đồng, trong đó, 65% dư nợ cho vay phục vụ phát triển "Tam nông".
Đi đầu trong giảm lãi suất
Một trong những khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp là khó tiếp cận nguồn vốn. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đã đi đầu thực hiện chủ trương của Chính phủ, liên tiếp giảm lãi suất huy động, tạo lập mặt bằng lãi suất mới.
Hiện, lãi suất của 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước thấp nhất thị trường, từ đó có điều kiện cung ứng vốn cho thị trường với chi phí thấp. Thường sau khi 4 ngân hàng thương mại của Nhà nước giảm lãi suất, các ngân hàng thương mại khác cũng giảm theo.
Agribank - ngân hàng chủ lực cung ứng vốn cho chương trình "tam nông" trong năm 2023 đã có 28 lần điều chỉnh giảm lãi suất huy động, 8 lần giảm lãi suất cho vay và có 13 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng quy mô 200.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, các ngân hàng có vốn nhà nước còn đóng vai trò quan trọng trong việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng; đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về ngân hàng; tham gia quản trị những ngân hàng yếu kém, góp phần bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, thị trường tiền tệ...
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho rằng, các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đã góp phần cùng toàn ngành Ngân hàng thực hiện thành công chính sách tiền tệ, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển.
Với kết quả đạt được và những nỗ lực trong thời gian tới, các ngân hàng tiếp tục phát huy vị thế là tổ chức tín dụng có quy mô lớn nhất hệ thống, chủ đạo, tiên phong thực thi các chính sách tiền tệ, góp phần quan trọng vào kết quả chung của ngành Ngân hàng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.