(HNM) - Hầu như ngành nghệ thuật nào cũng có các nhà phê bình: Phê bình phim, phê bình âm nhạc, phê bình sân khấu… Không phải tự nhiên thế giới
Phê bình nghệ thuật ở Việt Nam ra đời từ lâu và đã góp phần thúc đẩy nghệ thuật phát triển. Tuy nhiên hiện tại, phê bình nghệ thuật đang có nhiều vấn đề…
Một ngày ở Việt Nam có hàng chục video ca nhạc ra đời, hàng chục bộ phim truyền hình phát sóng, tối nào trên các kênh truyền hình cũng có chương trình về âm nhạc, về giới showbiz. Cuối tuần trên các kênh quen thuộc của nhiều nhà đài lại truyền hình trực tiếp chương trình nghệ thuật, những trò chơi giải trí. Làm nên các sản phẩm nghệ thuật, trò chơi giải trí truyền hình ấy là đông đảo đạo diễn, quay phim, diễn viên, ca sĩ… Số lượng sản phẩm lớn như vậy thì số bài phê bình cũng phải tỷ lệ thuận, thế nhưng nhiều năm trở lại đây rất hiếm bài phê bình đúng nghĩa trên các phương tiện truyền thông, thậm chí ngay cả các tạp chí chuyên ngành.
Gần đây có bộ phim truyện điện ảnh nội dung nhàn nhạt, diễn xuất thiếu chất nghề, thông điệp của phim cũ kỹ, điểm được nhất là cảnh quay đẹp mắt, được tâng bốc lên mây. Và điều đáng nói là các bài viết tâng bốc lại không căn cứ vào ngôn ngữ điện ảnh, góc máy, âm thanh vì điện ảnh là nghệ thuật nghe nhìn, họ căn cứ vào cốt truyện, do vậy sự ngợi ca không thuyết phục được những người hiểu biết điện ảnh. Phim có doanh thu cao nhưng doanh thu cao chưa hẳn đã là phim có chất lượng nghệ thuật.
Dù sao bộ môn nghệ thuật thứ bảy còn có khen, có chê, song trong lĩnh vực âm nhạc không như vậy. Có phải vì âm nhạc diễn ra hằng tối nên phê bình không xuể? Thực ra không phải vậy, ngành âm nhạc có nhiều nhà phê bình từng cộng tác với nhiều báo nhưng lâu nay họ "nghỉ hưu". Họ không muốn va chạm, không muốn fan của các ca sĩ này "ném đá"… Nhưng điều khiến họ phải bỏ "trận địa" là vì nhiều nghệ sĩ luôn cho mình là số một, phê bình đúng bằng chuyên môn, khách quan họ cũng tỏ thái độ vô văn hóa như một ca sĩ từng phản ứng với nhạc sĩ Nguyễn Ánh Chín.
"Trận địa" phê bình bị bỏ ngỏ dẫn đến một vài phóng viên viết về văn hóa văn nghệ khen tràn cung mây, cứ như ca sĩ này sắp nhận giải Grammy đến nơi. Lại lắm khi họ chê tùy tiện, chủ quan, thậm chí có ý đồ, đã làm thị trường âm nhạc vốn nhộn nhạo lại thêm nhộn nhạo. Mới đây, thay vì phê bình chương trình ca nhạc do các ca sĩ: Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Trần Thu Hà và Thu Phương biểu diễn tại Nhà hát Lớn TP Hồ Chí Minh hát như thế nào thì có người bày trò, dựng đứng chuyện ca sĩ này nói ca sĩ kia không phải diva đẩy câu chuyện sang hướng khác...
Khen chê trong nghệ thuật chưa bao giờ là việc dễ dàng, để người được khen hay bị chê "tâm phục khẩu phục" là vô cùng khó. Khen chê đầu tiên phải xuất phát từ cái tâm sáng, phải dựa trên kiến thức chuyên môn và xã hội, không chụp mũ mới thuyết phục được nghệ sĩ và cả công chúng. Phê bình một tác phẩm nghệ thuật, một diễn viên, đạo diễn, nhà quay phim không phải là nâng họ lên hay dìm họ xuống mà đích cuối cùng là đưa ra nhận định về giá trị đích thực. Nhà phê bình không bao giờ và cũng không thể áp đặt khán giả phải thích hay không thích tác phẩm này, nghệ sĩ kia vì đó là quyền khán giả.
Một nền nghệ thuật không có sự tham gia của các nhà phê bình theo đúng nghĩa là thiệt thòi cho sự phát triển nghệ thuật của quốc gia đó và cho chính giới nghệ sĩ. Do vậy để nghệ thuật Việt Nam phát triển rất cần nhiều nhà phê bình vào cuộc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.