Sáng 5-12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp với các bộ, ngành, đơn vị về thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin, thuốc điều trị Covid-19 trong nước và nhập khẩu vắc xin, thuốc điều trị Covid-19.
Dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, đơn vị liên quan.
Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thế giới nói chung, ngay các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... có biện pháp chống dịch rất quyết liệt, có nền y học tiên tiến, song cũng bị tác động bởi chủng vi rút mới Omicron, Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Trong những biện pháp phòng, chống dịch thì vắc xin, thuốc điều trị và ý thức của người dân có tính chất rất cơ bản, quan trọng. Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai chiến lược vắc xin trong nhiều tháng nay, vừa qua bổ sung vấn đề thuốc điều trị. Công việc này có khối lượng, quy mô lớn, lại tiến hành trong thời gian ngắn, chưa có tiền lệ nên có khó khăn, lúng túng.
Cuộc họp này nhằm đánh giá toàn diện về vấn đề nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin, thuốc điều trị Covid-19 ở trong nước; đồng thời bàn giải pháp, nhiệm vụ tiếp tục triển khai bài bản, khoa học, kịp thời hơn nữa trong vấn đề chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin và thuốc điều trị Covid-19.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chủ trương, chính sách của Chính phủ đều nhất quán, quyết liệt, tích cực; việc thực hiện phải đảm bảo an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả; tổ chức thực hiện phải đồng bộ, thông suốt, liên thông, mang lại hiệu quả.
“Chính phủ rất sốt ruột về vấn đề trên trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Chúng ta phải rút ngay kinh nghiệm trong đợt tiêm chủng vừa qua từ bảo quản, vận chuyển, tổ chức tiêm, liên quan hạn sử dụng vắc xin”, Thủ tướng bày tỏ.
Theo Bộ Y tế, tổng số vắc xin đã nhận và dự kiến tiếp nhận đến hết năm 2021 từ các nguồn mua, viện trợ, tài trợ đã có cam kết là khoảng 211 triệu liều; số vắc xin đã tiếp nhận đến hết ngày 3-12 là hơn 150 triệu liều. Hiện nay, Việt Nam đang chuyển giao công nghệ nghiên cứu, thử nghiệm các loại vắc xin phòng Covid-19 gồm: Nanocovax, COVIVAC, ARCT-154, HIPRA, Sputnik V, Shionogi và một số loại vắc xin của Cuba, Ấn Độ...
Cùng với đó, việc nghiên cứu thuốc điều trị Covid-19 cũng đã được tiến hành từ năm 2020, cả các nghiên cứu thuốc điều trị đặc hiệu và điều trị triệu chứng. Đáng chú ý, hiện có 6 nhà máy trong nước nộp hồ sơ đăng ký thuốc điều trị Covid-19 với năng lực sản xuất ít nhất 1 triệu liều/ngày, nếu được cấp phép đáp ứng nhu cầu thuốc Molnupiravir cho công tác phòng, chống dịch của cả nước.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận sâu sắc về nhu cầu vắc xin, khả năng đáp ứng vắc xin (gồm nguồn nhập khẩu, viện trợ và sản xuất trong nước); kế hoạch tiêm vắc xin cho từng đối tượng; nhu cầu, khả năng sản xuất thuốc điều trị Covid-19; những khó khăn, vướng mắc, đề xuất cơ chế để nhập khẩu, sản xuất vắc xin và thuốc điều trị Covid-19 đảm bảo đủ nguồn phục vụ phòng, chống dịch.
Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nhờ sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan chuyên môn, đến thời điểm này, chiến lược vắc xin đạt kết quả tốt: Đã tiêm mũi 1 đạt 94%, mũi 2 đạt 69%. So với các nước, Việt Nam thuộc nước có tỷ lệ tiêm chủng cao mặc dù xuất phát điểm chậm.
Đối với nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính phân tích, diễn biến dịch hiện nay phức tạp, dịch còn có thể xuất hiện những chủng vi rút mới, do đó chiến lược phòng, chống dịch không chỉ có thời gian 2 năm mà có thể phải lâu dài hơn.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch chủ động kịp thời, khoa học, hợp lý, hiệu quả, an toàn để bảo đảm đủ vắc xin phòng, chống dịch; thần tốc hơn nữa trong việc tiêm chủng vắc xin. Theo đó, phấn đấu đến 15-12, tiêm đủ 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên, chậm nhất là hoàn thành trong tháng 12; có lộ trình tiêm vắc xin mũi thứ 3, trước hết là cho đối tượng từ 50 tuổi trở lên và các đối tượng ưu tiên và theo yêu cầu từng địa phương; khẩn trương tổ chức tiêm cho trẻ từ 12 tuổi đến 18 tuổi... Đồng thời, lên kế hoạch tiêm vắc xin cho năm 2022; hoàn thành báo cáo, phân tích và quan điểm của Ban Chỉ đạo về vấn đề tiêm vắc xin đối với trẻ em từ 5 đến 12 tuổi trình cấp có thẩm quyền.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với các địa phương rà soát lại toàn bộ đối tượng để tiêm vét mũi 2; rà soát, đánh giá lại các sự cố, bất cập trong thời gian qua một cách khách quan, trung thực, trên cơ sở đó có thông tin chính xác, kịp thời đến với nhân dân, trên tinh thần không phân biệt vắc xin, đặt sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết và có tham chiếu với tình hình, bài học, kinh nghiệm của thế giới. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, tiếp tục nâng cao hơn nữa ý thức của người dân trong phòng, chống dịch.
Thủ tướng lưu ý tránh tiêu cực trong vấn đề phân bổ, tiêm vắc xin; nếu địa phương còn yếu, thiếu điều kiện tiêm vắc xin cho người dân thì Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng hỗ trợ nhân lực để tăng tốc tiêm vắc xin cho nhân dân đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả.
Về thuốc điều trị Covid-19, các bộ, ngành chủ động đề xuất giải pháp tháo gỡ về mặt thể chế, cơ chế, chính sách để trình cấp có thẩm quyển cho ý kiến; chủ động tính toán về nhu cầu, chủng loại, số lượng, khả năng đáp ứng và phương án phân bổ; đặc biệt phải có cơ số thuốc thiết yếu dự phòng cho tình huống diễn biến xấu.
Bộ Y tế phải hỗ trợ các nhà sản xuất thuốc điều trị Covid-19 trong nước để triển khai đúng nguyên tắc, đảm bảo khoa học, hợp lý, hiệu quả, trên tinh thần hợp tác vô tư, trong sáng, tạo thuận lợi tối đa cho sản xuất, vì sức khỏe của nhân dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc mua bán thuốc điều trị Covid-19 phải công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường; kiểm soát giá cả; đảm bảo bình đẳng, trong sạch; kiên quyết xử lý nếu có tiêu cực trong vấn đề này...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.