Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vá lỗ hổng trong đấu giá tài sản

Hà Phong| 14/10/2022 06:56

(HNM) - Hiện cả nước có 1.200 đấu giá viên, gần 600 doanh nghiệp đấu giá tài sản, 58/63 trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hoạt động đấu giá tài sản từng bước được chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa một cách mạnh mẽ. Song vẫn tiềm ẩn nguy cơ vi phạm pháp luật như “bảo kê”, “thổi giá, dìm giá”, “sân trước, sân sau”, trục lợi cá nhân, nên cần có chế tài vá lỗ hổng này.

Một phiên đấu giá đất tại huyện Đông Anh do Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt tổ chức.

Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Mai khẳng định, thời gian qua, số lượng các loại tài sản được bán thông qua đấu giá ngày càng tăng, tỷ lệ đấu giá thành đạt cao; có những cuộc đấu giá có giá trúng cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm. Điều này giúp tránh thất thoát tài sản công, tăng thu ngân sách nhà nước, qua đó, đóng góp tích cực cho việc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Số liệu công bố ngày 3-10 vừa qua cho thấy, từ tháng 7-2017 đến hết năm 2021, các tổ chức đấu giá tài sản đã tổ chức hơn 169.000 cuộc đấu giá, số tiền thù lao dịch vụ đấu giá tài sản thu được đạt hơn 2.069 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 1.500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp đấu giá tập trung phần lớn tại các tỉnh, thành phố lớn như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hóa, Đà Nẵng. Kết quả khoảng 200 cuộc thanh tra về tổ chức và hoạt động đấu giá tài sản của Sở Tư pháp các địa phương cho thấy đã xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức đấu giá tài sản.

Sai phạm điển hình là không tuân thủ nghiêm túc về trình tự, thủ tục đấu giá, trích lại phần trăm phí cho cơ quan, đơn vị có tài sản bán đấu giá để thu hút sử dụng dịch vụ của tổ chức mình. Việc này không chỉ gây khó khăn cho người tham gia đấu giá, mà trong một số trường hợp tạo kẽ hở, cho phép người không đủ điều kiện “nhảy vào” cuộc đấu giá, hoặc thông đồng, dìm giá, “quân xanh, quân đỏ” giữa những người tham gia đấu giá, gây ảnh hưởng đến uy tín, sự phát triển lành mạnh của hoạt động đấu giá.

Vụ việc nghiêm trọng gần đây là đấu giá quyền sử dụng đất ở tỉnh Thanh Hóa. Sau 2 lần UBND tỉnh Thanh Hóa hủy kết quả đấu giá do phát hiện hành vi vi phạm và được tổ chức đấu giá lại thì giá bán thành công của tài sản đã tăng từ 438 tỷ đồng lên hơn 1.215 tỷ đồng.

Theo Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Thành Băng, nhu cầu từ thực tiễn cùng sự phát triển nhanh chóng của đội ngũ đấu giá viên đòi hỏi cơ sở pháp lý cho hoạt động này phải được bổ sung, hoàn thiện theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Bên cạnh đó, mức tiền đặt trước, vẫn quy định không quá 20% mức giá khởi điểm như hiện nay, nhưng trong trường hợp đặc biệt, quy định mức đặt trước không quá 50% giá khởi điểm, đồng thời phải nêu rõ lý do và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. “Có như vậy mới hạn chế được tình trạng đấu giá rồi “bỏ cọc” như việc đấu giá đất ở Thủ Thiêm vừa qua”, ông Nguyễn Thành Băng nhấn mạnh.

Từ thực tiễn công tác thi hành án, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) Nguyễn Quang Thái nêu ý kiến, đối với những vụ việc cơ quan thi hành án dân sự tổ chức cưỡng chế kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản để thi hành án, thời gian thi hành án thường phải kéo dài trong nhiều tháng. Trong khi đó, có quá nhiều vướng mắc trong việc xác định thời hiệu, thời điểm sử dụng chứng thư thẩm định giá tài sản; tạm dừng việc bán đấu giá; bàn giao tài sản bán đấu giá thành…

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, Bộ Tư pháp yêu cầu Cục Bổ trợ tư pháp có văn bản hướng dẫn, phương án giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc. Đối với các sở tư pháp, cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Về phía Bộ Tư pháp đang chuẩn bị xây dựng hồ sơ đề nghị soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản và đề xuất đưa dự án luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022-2023. Tinh thần chung là quy định rõ ràng, chặt chẽ, hợp lý hơn về trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản để ngăn chặn tình trạng thông đồng, bảo kê, cạnh tranh không lành mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vá lỗ hổng trong đấu giá tài sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.