Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích lý do 13 năm chưa đấu giá tần số

Đình Hiệp| 21/10/2022 17:38

(HNMO) - Chiều 21-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Sau đó, các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật này.

Toàn cảnh phiên họp chiều 21-10.

Ông Lê Quang Huy cho biết, tại kỳ họp thứ ba (tháng 5-2022), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện với 87 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại tổ và hội trường. Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Tần số vô tuyến điện và những nội dung cơ bản của dự thảo Luật.

Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức các hoạt động nghiên cứu, khảo sát, lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8-2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến. Trên cơ sở đó, dự thảo luật tiếp tục được hoàn thiện và trình hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung 30 điều của Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009 (tăng 2 điều so với dự thảo luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba), trong đó có 19 điều sửa đổi, bổ sung về nội dung, 9 điều chỉ sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật, bãi bỏ một số quy định tại 2 điều. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Đầu tư để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Dự thảo luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ ba đã đáp ứng được quan điểm, mục tiêu, yêu cầu đặt ra khi sửa đổi luật là đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh, thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của Nhà nước và việc chấp hành, tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân trong sử dụng tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh.

Qua đó, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và hoạt động thông suốt của các hệ thống thông tin vô tuyến điện; đẩy mạnh cải cách hành chính; bảo đảm tính thống nhất với các luật và phù hợp với các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo.

Ông Lê Quang Huy thông tin, ngày 4-10 vừa qua, Chính phủ đã có Báo cáo số 368/BC-CP về tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện tại kỳ họp thứ ba và Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, trong đó cơ bản thống nhất với các nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Tuy nhiên, còn 1 nội dung có ý kiến khác nhau là sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế.

Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị giải thích lý do tại sao 13 năm qua chưa đấu giá tần số; làm rõ nguyên nhân, giải pháp khắc phục, khả năng thất thoát tài sản Nhà nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, cuối năm 2009, doanh nghiệp viễn thông mới được cấp phép sử dụng tần số để triển khai công nghệ 3G, trong khi đó, doanh nghiệp cần 7 đến 10 năm để triển khai mạng và thu hồi vốn đầu tư. Vì vậy, việc đấu giá tần số không được áp dụng ngay khi Luật có hiệu lực.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, tháng 12-2016, Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập Hội đồng đấu giá băng tần 2600 MHz theo nhu cầu của doanh nghiệp viễn thông triển khai mạng thông tin di động 4G.

Trong quá trình triển khai Luật Đấu giá tài sản, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa là cơ quan phê duyệt giá khởi điểm, vừa là cơ quan phê duyệt dự án đầu tư đối với 2 doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực viễn thông, gây khó khăn, vướng mắc khi thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại phiên thảo luận.

Trong các năm 2017-2018, sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; trên cơ sở ý kiến của Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan và để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với quy định pháp luật, đến tháng 4-2020, Thủ tướng Chính phủ đồng ý không áp dụng Quyết định số 16/2012/QĐ-TTg (về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện) mà xây dựng Nghị định mới trước khi tổ chức đấu giá.

Ngày 1-10-2021, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 88/2021/NĐ-CP về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần.

Đấu giá tần số vô tuyến điện là vấn đề mới và khó, chưa có tiền lệ, việc hoàn thiện thể chế chưa theo kịp quá trình phát triển. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do Bộ Thông tin và Truyền thông chậm trễ trong rà soát các quy định mới, chưa tổ chức nghiên cứu kỹ kinh nghiệm quốc tế để tham mưu sửa đổi kịp thời văn bản quy phạm pháp luật nhằm tổ chức đấu giá tần số vô tuyến điện; lúng túng trong xử lý các tình huống mới.

Dưới góc độ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, việc chậm trễ thực hiện đấu giá tần số vô tuyến điện đã được đề cập trong Báo cáo số 324/BC-ĐGS ngày 13-9-2022 của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích lý do 13 năm chưa đấu giá tần số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.