Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa thống nhất về dự án Luật Hành chính công

Hà Phong| 11/09/2018 17:22

(HNMO)- Chiều 11-9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo về việc chuẩn bị kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV.


Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông tin, dự kiến, kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào ngày 22-10 và bế mạc vào ngày 20-11 với tổng thời gian làm việc khoảng 23 ngày. Trong đó có 12 ngày xây dựng luật; 9 ngày giám sát tối cao và các vấn đề quan trọng khác; 1,5 ngày khai mạc, bế mạc. Trong chương trình nghị sự, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 9 dự án luật, gồm có Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Luật Đặc xá (sửa đổi), Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước…

Kỳ họp sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp phiên thảo luận ở hội trường về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; chất vấn và trả lời chất vấn… Đáng chú ý, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trước phiên chất vấn; phê chuẩn miễn nhiệm và phê chuẩn bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Về Dự án đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh (tuyến 1: Bến Thành - Suối Tiên; tuyến 2: Bến Thành - Tham Lương), tại phiên họp tháng 7-2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến và đề nghị Chính phủ báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Ban cán sự Đảng Chính phủ vẫn chưa báo cáo Bộ Chính trị nên chưa bổ sung nội dung này trong dự kiến chương trình kỳ họp.

“Nhìn chung, các cơ quan hữu quan đang tiếp tục phát huy tính tích cực, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị, hoàn thiện các nội dung dự kiến trình Quốc hội, bảo đảm kịp phục vụ kỳ họp” - Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.

Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ và biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập phường Mỹ Đức thuộc thị xã Hà Tiên và thành lập TP Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang.

* Sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Hành chính công.
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật và nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định và đại diện các bộ ngành đều đánh giá Ban soạn thảo đã rất tích cực nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Chính phủ. Tuy nhiên, báo cáo tổng kết, đánh giá thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến nội dung dự án luật chưa toàn diện các nội dung liên quan đến phạm vi điều chỉnh của dự án luật; chưa xác định rõ được những bất cập, hạn chế cụ thể trong các quy định của pháp luật hiện hành dẫn đến phải đặt ra những quy định mới trong dự án Luật Hành chính công để khắc phục. Đồng thời, thiếu những đánh giá cụ thể về các vấn đề đòi hỏi từ thực tiễn quản lý nhà nước làm cơ sở thuyết minh cho sự cần thiết ban hành luật…

Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, nếu giữ phạm vi điều chỉnh của dự án luật như đề xuất của Ban soạn thảo, để phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, tránh sự trùng lặp, chồng lấn và xung đột với các quy định pháp luật có liên quan thì Ban soạn thảo cần phải tổng kết một cách toàn diện, từ đó xác định rõ sự cần thiết và phạm vi điều chỉnh. Xác định lại tên gọi để bảo đảm phù hợp với phạm vi điều chỉnh của luật; làm rõ mối quan hệ giữa Luật Hành chính công với các luật hiện hành..

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, đây là sáng kiến lập pháp của nữ đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất trân trọng, tạo các điều kiện thuận lợi để Ban soạn thảo xây dựng dự án luật. Song khái niệm hành chính công, nội hàm rất lớn, phức tạp, nội dung cụ thể của hành chính công đang được điều chỉnh ở các đạo luật hiện hành... Sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tính khả thi của dự án luật này chưa đạt yêu cầu. Ngoài ra, sự cần thiết ban hành luật chưa thực sự thuyết phục. Dự án luật vẫn chưa đủ điều kiện trình ra Quốc hội và chỉ nên dừng lại là một công trình nghiên cứu khoa học, một tài liệu nghiên cứu, tham khảo có giá trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa thống nhất về dự án Luật Hành chính công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.