Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ưu tiên thúc đẩy hợp tác kinh tế

Hoàng Linh| 06/07/2017 06:22

(HNM) - Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức kéo dài hai ngày tới Nga, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa có cuộc hội đàm mang tính xây dựng tại Điện Kremlin.

Hợp tác kinh tế là trọng tâm của thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Trung Quốc.


Những năm qua, Bắc Kinh và Mátxcơva đã liên tục nỗ lực thúc đẩy quan hệ kinh tế. Điều này thể hiện rõ nhất từ năm 2014, khi Nga bắt đầu hứng chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến vấn đề Ukraine. Theo nhận định của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nền kinh tế Nga có thể tăng trưởng khoảng 1,5% mỗi năm trong vòng 3 năm tới, thấp hơn nhiều mức tăng trưởng trung bình khoảng 3,5% trong giai đoạn năm 2010-2012.

Giới phân tích nhận định, dù thương mại của Nga với Trung Quốc sau một giai đoạn suy giảm đã tăng trưởng 24% trong quý I năm 2017, nhưng những tác động tích cực mà Bắc Kinh có thể đem tới cho nền kinh tế quốc gia láng giềng chưa thực sự rõ nét. Cuộc gặp lần này tại Mátxcơva được cho là chưa tạo ra sự đột phá nào đáng kể. Tuy nhiên, đây vẫn là tiền đề quan trọng để hai cường quốc kinh tế hiện thực hóa một số cam kết hợp tác, xây dựng sự tin cậy chung về chính trị, từ đó tìm ra tiếng nói chung trong các vấn đề toàn cầu.

Những nỗ lực tìm kiếm cơ hội hợp tác không chỉ thể hiện qua Huân chương Thánh Andrei vì những đóng góp nổi bật cho việc tăng cường tình hữu nghị giữa hai nước, mà Tổng thống Nga V.Putin trao tặng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Đặc biệt hơn, quyết tâm thúc đẩy quan hệ Nga - Trung đã được phản ánh qua việc ký kết 40 văn bản với tổng trị giá các thỏa thuận lên tới hơn 10 tỷ USD trên các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, văn hóa, phát triển hành lang giao thông... Trong đó, nổi bật là những khoản đầu tư từ Quỹ Nga - Trung RMB dành cho sáng kiến "Vành đai và con đường" do Trung Quốc đề xuất cùng với thỏa thuận hợp tác chính thức giữa Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc.

Đối với vấn đề bán đảo Triều Tiên, hai nhà lãnh đạo cùng chung quan điểm lên án cuộc thử tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng, coi đây là động thái "không thể chấp nhận" và nhất trí cho rằng cần phải có một biện pháp nhanh chóng và mạnh mẽ nhằm "chống lại những diễn biến gia tăng căng thẳng". Thế nhưng, hai bên cũng chia sẻ lập trường phản đối nỗ lực triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc.

Dù không thể phủ nhận sự hiện diện của mối quan hệ được Chủ tịch Trung Quốc khẳng định là "tình bạn cá nhân bền chặt" giữa hai nhà lãnh đạo, sợi dây liên kết giữa hai cường quốc vẫn còn có những điểm khá mong manh. Trong đó, giải quyết sự xung đột giữa hợp tác và kiềm chế là không đơn giản.

Cho đến nay, Trung Quốc là tác giả của sáng kiến "Vành đai và con đường" có liên quan tới nhiều quốc gia Trung Á thuộc Liên bang Xô viết cũ như Kazakhstan, Tajikistan hay Kyrgyzstan. Các nhà phân tích nhận định, việc Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng trong khu vực nằm giữa hai lục địa Á - Âu chắc chắn sẽ có tác động nhất định tới vai trò của Mátxcơva.

Vì vậy, đổi lại Nga cũng là quốc gia khởi xướng kế hoạch Liên minh kinh tế Á - Âu với 4 thành viên nữa là Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan nhằm củng cố vị thế tại khu vực vốn nằm dưới sự ảnh hưởng truyền thống của nước này.

Dẫu vậy, sự phát triển của quan hệ Nga - Trung vẫn phát triển theo hướng tích cực. Trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường, sự hợp tác chặt chẽ giữa hai Ủy viên Thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đang tạo ra cán cân mới trong cục diện quốc tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ưu tiên thúc đẩy hợp tác kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.