(HNMO) - Chiều 15-10, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025" (Chương trình số 04) tổ chức hội nghị giao ban đánh giá kết quả thực hiện Chương trình đến hết quý III-2021; nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04 chủ trì hội nghị. Đồng chủ trì có các đồng chí: Bùi Huyền Mai, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó Trưởng ban Chỉ đạo; Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo. Tham dự hội nghị còn có thành viên Ban Chỉ đạo là đại diện các sở, ban, ngành của thành phố; lãnh đạo các huyện, thị xã...
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội, trong quý III-2021, dịch bệnh Covid-19 đã tác động lên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có kết quả thực hiện Chương trình số 04. Cụ thể, việc thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí trong nông thôn mới gặp nhiều khó khăn; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong thời gian qua tập trung chủ yếu phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nên tiến độ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới chưa bảo đảm yêu cầu đề ra.
Về xây dựng huyện nông thôn mới, đến nay, thành phố có 12/18 huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 368/382 xã (chiếm 96,3%) đạt chuẩn nông thôn mới; 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó huyện Đan Phượng đã hoàn thành 100% xã nông thôn mới nâng cao.
6 huyện còn lại chưa đạt chuẩn nông thôn mới đang khẩn trương thực hiện các bước để trình các cấp công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021 và 2022. Với 14 xã chưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đã có 4 xã của các huyện: Ba Vì, Mỹ Đức đã được Đoàn thẩm định thành phố thẩm định, đủ điều kiện trình Hội đồng thẩm định của thành phố xem xét, công nhận; 7 xã của huyện Ba Vì đã hoàn thiện hồ sơ, Đoàn thẩm định thành phố đang tiến hành đánh giá vào các ngày 15 và 16-10-2021. Còn 3 xã (Đồng Tâm, An Tiến và An Phú) của huyện Mỹ Đức chưa đạt chuẩn nông thôn mới và các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021 đang tiến hành hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận trước ngày 15-11-2021.
Trong bối cảnh khó khăn do Covid-19, thành phố đã ban hành nhiều chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, linh hoạt để phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả cùng với tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm thiết yếu hằng ngày của người dân, khôi phục, phát triển sản xuất. Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố đã tổ chức được 5 khóa học miễn phí về xúc tiến thương mại nông nghiệp và bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream) với số lượng gần 500 học viên tham dự; tổ chức diễn đàn trực tuyến Hà Nội năm 2021 kết nối cung cầu sản phẩm OCOP và nông sản, thực phẩm an toàn; khai trương mô hình thí điểm "Kết nối giao thương sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền bằng hình thức trực tuyến" của thành phố Hà Nội.
Về phương hướng, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm, Hà Nội sẽ tập trung và ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới, phấn đấu về đích đúng kế hoạch. Thực hiện mục tiêu kép: Vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, vừa khôi phục sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; chuẩn bị cung ứng lương thực, thực phẩm cho thị trường cuối năm, đặc biệt là thị trường Tết; thực hiện đồng bộ các giải pháp, phấn đấu đến hết năm 2021, thu nhập của nông dân đạt 60 triệu đồng/người/năm...
Tại hội nghị giao ban, ý kiến các huyện: Mỹ Đức, Ba Vì, Ứng Hòa... đề nghị thành phố quan tâm hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng, đặc biệt là tại các huyện đang phấn đấu về đích huyện nông thôn mới năm 2021, 2022.
Huyện Mỹ Đức kiến nghị thành phố vận dụng thí điểm giao quyền cho các huyện thực hiện chính sách ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, vì hiện nay, chính sách này của thành phố đã có nhưng còn khó khi áp dụng vào thực tiễn. Huyện Phú Xuyên đề nghị thành phố giới thiệu cho huyện các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư vào công nghệ cao. Huyện Đông Anh đề nghị thành phố xử lý các doanh nghiệp đầu tư nước sạch chậm triển khai dự án để đẩy nhanh tiêu chí nước sạch cho người dân.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Chương trình số 04 rà duyệt lại toàn bộ tiêu chí trường học tại các địa phương. Liên quan đến lĩnh vực văn hóa, hiện vẫn còn một số địa phương chưa có nhà văn hóa, đề nghị các địa phương quan tâm thực hiện để hoàn thành kế hoạch thành phố giao. Về tiêu chí nước sạch, đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền giao Sở Xây dựng phối hợp với Cơ quan Thường trực Chương trình số 04 rà duyệt lại để có báo cáo chi tiết; dự án nào chậm triển khai thì thu hồi quyết định đầu tư và chọn nhà đầu tư mới.
Riêng với huyện Đan Phượng đang hoàn thiện xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao nhưng đến nay, Trung ương vẫn chưa ban hành bộ tiêu chí để làm căn cứ thực hiện, thành phố đề nghị huyện Đan Phượng hoàn thiện hồ sơ bám theo dự thảo Bộ tiêu chí của Trung ương đang được lấy ý kiến để thực hiện. Các huyện khác cần rà duyệt lại các chỉ tiêu nông thôn mới, đánh giá, thúc đẩy các tiêu chí để hoàn thành mục tiêu đề ra.
Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh: Trong quý III, thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, Hà Nội đã phải thực hiện giãn cách xã hội. Dịch bệnh đã ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế - xã hội. Tuy vậy, kinh tế nông nghiệp của Hà Nội vẫn tăng trưởng và trở thành trụ đỡ trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt, chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản không bị đứt gãy; nhiều huyện có sáng tạo trong phòng, chống dịch...
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cũng chỉ ra những khó khăn trong thực hiện Chương trình số 04, đó là: Kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới tại các huyện, xã đăng ký hoàn thành năm 2021 còn chậm. Càng về sau, các xã, huyện xây dựng nông thôn mới càng khó khăn và càng cần nhiều kinh phí để đầu tư.
Mặt khác, việc chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp có nhiều tiến bộ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chưa nhiều; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế, chưa có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, mô hình liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ quy mô lớn; khu vực làng nghề rất khó khăn sau dịch Covid-19... Trong khi đó, năm 2021, thành phố phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách theo kế hoạch nhưng ngân sách phải chi cho nhiều khoản phát sinh như: Hỗ trợ học phí, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch... nên ngân sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới có khó khăn.
Đối với nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các ngành, các huyện, thị xã đẩy mạnh việc trồng, chăm sóc cây vụ đông để nâng cao thu nhập cho nông dân. Đặc biệt, các địa phương cần quan tâm đến khống chế bệnh Dịch tả lợn châu Phi, hiện dịch đã xảy ra ở Ba Vì; đồng thời, quan tâm đến công tác phòng, chống dịch cúm trên gia cầm trong thời điểm giao mùa.
Đối với xây dựng nông thôn mới, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cũng đề nghị các huyện rà duyệt lại các tiêu chí, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để đạt mục tiêu đề ra; tập trung xây dựng 4 huyện về đích nông thôn mới năm 2021: Chương Mỹ, Mê Linh, Ứng Hòa, Phú Xuyên.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến lưu ý các địa phương tiếp tục quan tâm đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, bằng mọi cách phải bảo vệ an toàn cho Thủ đô, bảo vệ thành quả thành phố đã đạt được.
Đối với kiến nghị của các địa phương, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến đồng tình với kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền và giao Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội tổng hợp chuyển các sở, ngành liên quan, báo cáo thành phố giải quyết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.