(HNMO) - Ngày 8-9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai và quán triệt Nghị quyết số 19-NQ/TƯ; Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28-1-2022 về phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững. Với những quyết định mới, nông nghiệp Việt Nam tiếp tục được phát triển theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Nông nghiệp phát triển toàn diện
Theo ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TƯ ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng, sự chung sức, đồng lòng của toàn dân, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn.
Theo đó, nông nghiệp chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, năng suất và chất lượng ngày càng cao; bảo đảm lương thực, thực phẩm cho gần 100 triệu dân và tăng mạnh xuất khẩu. Giai đoạn 2008-2020, tốc độ tăng trưởng GDP ngành Nông nghiệp đạt 3,01%/năm; quy mô xuất khẩu nông sản tăng bình quân 8,01%/năm, năm 2021 đạt 48,6 tỷ USD và dự kiến năm 2022 đạt 55 tỷ USD. Nông sản của Việt Nam đã có mặt ở 196 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bên cạnh đó, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi toàn bộ diện mạo ở khu vực nông thôn, đến nay, cả nước có 5.842/8.225 xã (chiếm 71%) đạt chuẩn nông thôn mới; 837 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 105 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 39,6% số huyện cả nước). Ngoài ra, 18 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cả nước đã công nhận 8.340 sản phẩm đạt OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), tạo điều kiện cho việc đưa nông sản chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang các nước.
Từ thực tiễn triển khai Nghị quyết về phát triển nông nghiệp, nông thôn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, thời gian qua, nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Hà Nội phát triển toàn diện, cơ cấu sản xuất chuyển biến tích cực theo hướng giảm tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ. Hà Nội có 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tập trung chủ yếu ở các huyện: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng. Nhờ đó, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt hơn 55 triệu đồng/người/năm. Cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn của Hà Nội giảm còn khoảng 0,3%; trong đó có 4 huyện không còn hộ nghèo gồm: Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh, Hoài Đức.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, thời gian qua, sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, tạo sinh kế, việc làm, thu nhập ổn định cho phần lớn cư dân nông thôn, góp phần quan trọng bảo đảm sự ổn định và phát triển của đất nước. Những năm gần đây, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là "phao cứu sinh" cho công nghiệp, đô thị và là trụ đỡ của kinh tế - xã hội đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, tổ chức sản xuất, kinh doanh chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết; chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa cao...
Tiếp tục đổi mới tư duy sản xuất
Tại hội nghị, các ngành, địa phương tham gia thảo luận, góp ý và đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững...
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, từ nay đến năm 2030, Hà Nội tiếp tục củng cố phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung quy mô lớn, bền vững, giá trị cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Thành phố duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới ở các xã đã đạt chuẩn, phấn đấu đến năm 2025, có 100% huyện đạt chuẩn nông thôn mới; số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên 40%; hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ; thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt trên 80 triệu đồng/người/năm...
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương, đơn vị liên quan quyết liệt triển khai, quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Nghị quyết số 19-NQ/TƯ và Quyết định 150/QĐ-TTg.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, xây dựng nông nghiệp thực sự là lợi thế quốc gia, nông nghiệp phải là "trụ đỡ" của nền kinh tế. Theo đó, phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; từ đơn giá trị sang đa giá trị; tích cực đổi mới, sáng tạo, áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất để hạ giá thành, tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, từ đó, nâng cao thu nhập cho nông dân. Mọi hoạt động sản xuất của ngành Nông nghiệp phải dành cho nông dân, xoay quanh nông dân, nâng cao chất lượng sống cho nông dân...
Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý, xây dựng nông thôn mới không phải là "mặc đồng phục" cho nông thôn mà mỗi địa phương cần phải linh hoạt, sáng tạo dựa trên điều kiện, lợi thế, bản sắc từng vùng, từng làng quê để thực sự trở thành những miền quê đáng sống đối với người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.