(HNMO) - Tại phiên thảo luận chiều 31/10 về dự toán thu-chi ngân sách năm 2012 và phương án phân bổ ngân sách năm 2013, QH đề cập nhiều đến việc thực thi kỷ luật ngân sách, tìm nguồn tăng lương, chống lãng phí trong chi ngân sách...
Theo đánh giá chung của các đại biểu, cách làm ngân sách năm nay vẫn chưa khắc phục được những hạn chế lâu nay, vẫn còn nhiều bất cập khi phân bổ, cân đối nguồn thu-chi.
Đại biểu Nguyễn Hữu Đức – Bình Định đánh giá, việc xử lý nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản chưa có hiệu quả đáng kể, cần làm nghiêm, rõ trách nhiệm cá nhân trong việc để xảy ra nợ đọng.
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng đề nghị, cần làm rõ hơn việc lãng phí, thất thoát trong sử dụng ngân sách, các giải pháp chống thất thu ngân sách, buôn lậu trong năm sau. Ông cho rằng, những kết luận, kiến nghị của kiểm toán phải được xem xét đúng mức và thực hiện nghiêm túc.
Đại biểu Hùng cũng cho rằng, việc chúng ta không thực hiện được chỉ tiêu giảm nghèo có nguyên nhân do phân bổ ngân sách chậm. Ông đề nghị tiếp tục sửa đổi những bất hợp lý trong phân bổ và chi ngân sách, hạn chế việc ngân sách phải "đi lòng vòng" mới tới được địa chỉ.
Về vấn đề chậm phân bổ ngân sách, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết,kế hoạch năm 2012 giao cho đầu tư xây dựng cơ bản chậm là đúng, nhưng cần đánh giá đúng để có giải pháp tháo gỡ.
Bộ trưởng khẳng định, việc bố trí vốn đầu tư phát triển năm 2012 về vốn ngân sách nhà nước là không chậm, chỉ có vốn trái phiếu Chính phủ là chậm nhưng nguyên nhân là do chúng ta tiến hành rà soát lại toàn bộ chương trình sử dụng vốn trái phiếu trong các lĩnh vực và thay vì bố trí vốn từng năm, Chính phủ chuyển sang bố trí vốn cho 4 năm để các địa phương chủ động. Việc bố trí vốn trái phiếu nay đã xong và đã được Quốc hội thông qua.
"Đổi mới thì phải trả giá và có chậm một chút. Chúng ta giao chậm thì phải cho làm đủ ngày tháng. Ngân sách đầu tư nếu đóng khung 1 năm thì không thể hiệu quả, nên phân bổ đầu tư theo trung hạn", Bộ trưởng nói.
Đáng chú ý, về các chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng cũng tự đánh giá là chưa hiệu quả. Bộ trưởng đề nghị, cần xem xét lại toàn bộ cách làm chương trình mục tiêu quốc gia, nếu được, có thể cấp thẳng cho địa phương không qua bộ chủ quản.
Ông Kiên cũng đề nghị xem xét lại việc thực thi kỷ luật chi ngân sách. Ông lấy ví dụ, tình trạng tồn nợ trong xây dựng cơ bản hiện khá phổ biến và con số nợ không hề nhỏ, gây áp lực lên nền kinh tế vĩ mô nhưng chưa rõ sẽ được xử lý như thế nào, ai là người chịu trách nhiệm.
"Theo Bộ Tài chính, nhiều tỉnh nợ xây dựng cơ bản rất lớn, có 15 tỉnh vượt 100% vốn ngân sách. Tại sao lại để nợ như vậy? Trả thế nào? Ai là người chịu trách nhiệm trong chi vượt? Báo cáo của Bộ tài chính chưa nói rõ điều này", đại biểu Kiên nói.
Chung quan điểm, đại biểu Võ Thị Dung-TP Hồ Chí Minh đề nghị, dù khó khăn nhưng vẫn phải đảm bảo mức chi cho đối tượng người có công, đối tượng chính sách, người nghèo, người nghỉ hưu, người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa...
Đại biểu Dung nhất trí, Chính phủ phải quyết liệt, gương mẫu trong tiết kiệm chi tiêu công, đảm bảo tính công bằng, hợp lý trong các nguồn chi.
Đăng ký phát biểu cuối cùng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, dù trong hoàn cảnh khó khăn thế nào, Quốc hội, Chính phủ cũng phải dành tiền tiết kiệm để giải quyết nâng mức lương, trợ cấp, phụ cấp, khắc phục bớt khó khăn cho các đối tượng chính sách, đối tượng hưu trí, nhất là đối tượng về hưu sớm, và những cán bộ công chức đang hưởng lương nhưng có mức lương thấp.
"Có thể chúng ta chưa thể điều chỉnh tăng lương theo lộ trình được vì khó khăn chung, nhưng chúng ta vẫn phải tiết kiệm chi để dành tiền cho những đối tượng này", Chủ tịch Quốc hội nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.