Góc nhìn

Ưu tiên bảo đảm sinh kế

Bắc Vũ 31/08/2023 - 06:19

Trong những năm qua, việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, tập trung nguồn lực đầu tư cho khu vực nông thôn, đặc biệt là các địa bàn khó khăn, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Ý nghĩa mang lại là rất lớn, nhưng việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2025 đang gặp một số khó khăn, vướng mắc nhất định. Trong đó, đáng chú ý là đến nay, tỷ lệ giải ngân vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia mới đạt 28,7% kế hoạch vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025.

Đi vào từng vấn đề cụ thể có thể thấy, thực tế đang đặt ra nhiều việc cần giải quyết để có thể nhanh chóng “khơi thông” nguồn lực, sớm hiện thực hóa các mục tiêu. Đó là ở các địa phương còn tồn tại nhiều dự án manh mún, quy trình thủ tục phức tạp trong khi năng lực, trình độ của cấp cơ sở nhiều nơi còn yếu, dễ dẫn đến rủi ro trong công tác cán bộ. Đáng nói hơn là việc giao vốn sự nghiệp đến từng tiểu dự án, chương trình khiến các địa phương không thể điều chuyển vốn từ dự án chậm tiến độ hoặc không có khả năng giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân nhanh hơn nhưng thiếu vốn. Thời gian phân bổ vốn hiện nay chưa đủ dài cũng khiến các địa phương gặp khó khăn trong huy động nguồn vốn đối ứng và lập kế hoạch triển khai…

Thêm vào đó, mức hỗ trợ nhà ở và xây dựng công trình cấp nước sạch còn thấp; một số chỉ tiêu như về nước sạch, tỷ lệ hỏa táng… vượt quá khả năng thực hiện của địa phương… Đặc biệt, nhiều nội dung của chương trình mục tiêu quốc gia khi giao vốn không phù hợp, không có đối tượng để thực hiện…

Tại hội nghị sơ kết tình hình triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2023 và giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới diễn ra trong ngày 28-8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia cho biết, tại kỳ họp thứ 6 tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét ban hành một số cơ chế đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia đều có điểm chung là hướng đến người nghèo, khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số khó khăn. Vì vậy, trong quá trình thực hiện, giải pháp bảo đảm sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân cần phải được chú trọng và ưu tiên hàng đầu. Cụ thể hơn, đó là cùng với quá trình đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, cần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang làm việc ở khu vực công nghiệp, dịch vụ; thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người dân. Cùng với đó là ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách cho việc triển khai các nội dung về an sinh xã hội, các dự án đầu tư, hỗ trợ trực tiếp về phát triển nhân lực, hỗ trợ sản xuất… Trong phát triển sản xuất, cần chú trọng các chính sách về phát triển kinh tế nông nghiệp, bảo vệ môi trường, chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch nông thôn…

Các chương trình này mang tính nhân văn sâu sắc nên các cấp ủy, chính quyền địa phương cần đề cao hơn nữa trách nhiệm trong triển khai thực hiện, bảo đảm thực chất, hiệu quả. Tất cả nhằm hướng đến mục tiêu cao nhất là cải thiện đời sống và sinh kế của người dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ưu tiên bảo đảm sinh kế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.