Hiện nay ở nhiều nơi rộ nên tình trạng nuôi thủy sâm lấy nước uống vì nghe đồn thức uống này có thể chữa bách bệnh. Nhưng thực hư tác dụng của nó đến đâu còn phải bàn.
Suýt đau dạ dày vì uống thuỷ sâm
Các bà nội trợ rỉ tai nhau rằng loại nước uống được chiết xuất từ thuỷ sâm có thể trị hoặc giảm bớt được rất nhiều bệnh như: cao huyết áp, chống lão hoá, giảm nếp nhăn trên trán, trên mặt, làm sáng mắt, làm cơ bắp rắn chắc hơn, chữa mỏi nhức gân cốt, chữa xuyên, lác, ung nhọt, lở loét hay trị bệnh trĩ, làm tóc bạc đen trở lại hoặc bóng thêm tóc…
Các quý ông thì truyền tai rằng dùng thuỷ sâm khiến sung sức về sinh lý, cơ thể cường tráng. Thậm chí họ còn đồn thổi loại nước uống này chữa được cả những bệnh nan y như: đái tháo đường, ung thư… Vì thế rất nhiều người đã tìm mua và nuôi thuỷ sâm.
Gần một năm phải sống chung với căn bệnh đau đầu, chạy chữa khắp các nơi mà tình trạng vẫn không thuyên giảm, cộng với trong nhà có người mắc bệnh đái tháo đường, chị Thuỳ L., ở Hà Nội đã tìm đến thuỷ sâm vì nghe đồn về công dụng chữa bách bệnh.
Khi được giới thiệu đó như một loại thuốc tiên, chỉ cần nuôi cấy bằng nước chè pha đường và kiên trì sử dụng hàng ngày thì chỉ cần vài tháng đến nửa năm sau bệnh sẽ tự khỏi, chị đã mất 4 tháng kỳ công nuôi cấy thuỷ sâm, kiên trì sử dụng và mong ngóng kết quả. Nhưng, chị hết sức ngạc nhiên khi bệnh tình đã không có dấu hiệu thuyên giảm, mà chị còn có nguy cơ đau dạ dày do nước thuỷ sâm quá chua. Sức khỏe người nhà của chị cũng chẳng thấy cải thiện, tiến triển hơn, nói gì đến chữa đái tháo đường.
Trước đây nghe bạn bè giới thiệu, ông T. cũng đã bỏ ra tiền triệu để mua con giông thuỷ sâm về nuôi cấy và lấy nước uống hàng ngày. Nhưng cả gia đình ông sử dụng cả năm trời mà sức khỏe vẫn không cải thiện. Vì thấy tác dụng của thuỷ sâm không được như những lời đồn đại nên gia đình ông đã bỏ, không sử dụng nữa.
Thực hư tác dụng chữa bách bệnh của thủy sâm
Theo ý kiến nhận định của các nhà khoa học tại Việt Nam, chưa có căn cứ chắc chắn để khẳng định công dụng của thuỷ sâm đối với sức khỏe.
Vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước, tại Bắc Kinh (Trung Quốc) đã rộ lên phong trào nuôi thuỷ sâm (còn có tên là tiểu cầu tảo, hay thủy cầm sâm). Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng men gan của những người này có dấu hiệu tăng cao. Theo đánh giá, sở dĩ bản chất của thuỷ sâm là nấm, vì thế khi uống quá nhiều và liên tục cơ thể không kịp có thời gian đào thải ra ngoài.
Hiện trên mạng cũng có khá nhiều tài liệu về thuỷ sâm, song hầu hết đều là tài liệu dịch từ nước ngoài với những trích dẫn mơ hồ, khó hiểu. Còn ở Việt Nam, hiện chưa có nghiên cứu, đánh giá nào về thành phần cũng như tác dụng của thủy sâm trong việc chữa bệnh, nâng cao sức khoẻ con người. Vì thế, người dân cần cảnh giác trước những chiêu lừa đảo, thổi phồng tác dụng của thuỷ sâm, cũng như những loại thuốc khác có thành phần tương tự nhằm trục lợi cá nhân.
TS. Phùng Hòa Bình, Trưởng khoa Dược học cổ truyền, Đại học Dược Hà Nội, cho rằng, việc chăm sóc sức khoẻ là điều tất yếu. Đời sống ngày càng tăng lên khiến người ta không chỉ có nhu cầu chữa bệnh mà còn muốn để phòng bệnh. Cách nghĩ ấy là hoàn toàn đúng, chỉ có điều như thế nào cho hợp lý.
Ví dụ như thủy sâm, hiện nay người ta đã đồn nhau rất nhiều về công dụng và nhập về tràn lan. Cũng như nhiều cây thuốc khác nữa, người ta mới có nghiên cứu ở một mức độ nhất định, và chỉ có một tác dụng nhất định mà thôi. Ở Nhật Bản, người dân dùng nó như một thực phẩm, như vậy cũng đơn thuần chỉ dùng thuỷ sâm như một thực phẩm mà thôi.
Còn về mặt y học, để chứng minh các hoạt chất của thuỷ sâm có giá trị thực sự làm thuốc, hỗ trợ sức khoẻ, chữa đái tháo đường, giảm mỡ máu thì chưa có một nghiên cứu nào khẳng định điều đó. Ta chỉ có thể nói đó là những thông tin ban đầu dùng để bàn luận, còn hướng tới sử dụng sản phẩm thì chưa có.
Theo TS. Phùng Hoà Bình, hiện nay ở Việt Nam có một tình trạng khiến nhiều người trong nghề trăn trở là chúng ta hay đưa lên những bài thuốc để quảng bá, nhưng những tác dụng bất lợi thì chúng ta ít thông tin về nó. Tất cả các dược liệu đều có nguy cơ bất lợi rất lớn đối với cơ thể chúng ta nếu sử dụng không hợp lý. Vì vậy, khi sử dụng bất cứ sản phẩm nào làm thuốc ta cần hết sức cân nhắc, hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên môn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.