(HNM) - Hà Nội là một trong những địa phương chăn nuôi lợn có số lượng lớn của cả nước với tổng đàn 2,7 triệu con.
Anh Vũ Kim Quyền, ở thôn 2 (xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì), phấn khởi khi đàn lợn phát triển tốt. |
Đến thăm trang trại lợn của Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (thôn Đĩnh Tú, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai), tiếp chúng tôi với nụ cười tươi, anh Nguyễn Đình Tường - Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ: "Năm 2018, mỗi tháng hợp tác xã tiêu thụ hơn 20 tấn thịt lợn sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Với phương pháp chăn nuôi lợn sinh học, sản phẩm của đơn vị đã được đông đảo người tiêu dùng đón nhận từ thịt lợn mát sinh học đến các sản phẩm đã qua chế biến như xúc xích, giăm bông... Năm 2019, đơn vị đặt mục tiêu phát triển theo chiều sâu, tổ chức sản xuất tốt tại các trang trại, tiếp tục phát triển các sản phẩm sau chế biến, mở rộng thêm cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Mục tiêu lâu dài của chúng tôi là chăn nuôi lợn an toàn, không sử dụng chất cấm hay để tồn dư kháng sinh nhằm mang đến thực phẩm sạch cho người tiêu dùng".
Vượt qua nhiều cung đường, chúng tôi đến Thuần Mỹ (huyện Ba Vì) - một xã thuần nông, nơi đang có nhiều trang trại lợn chăn nuôi hiệu quả. Anh Vũ Kim Quyền, ở thôn 2, cho biết: "Trang trại của gia đình đang chăn nuôi ổn định với 32 lợn nái và 240 lợn thương phẩm. Năm 2018, trang trại của tôi thu lợi nhuận tốt nhờ không có dịch bệnh, sản lượng đạt cao, được giá. Năm nay, tôi sẽ không tăng đàn mà duy trì, chăm sóc tốt đàn lợn nái và lợn thương phẩm hiện có". Ngoài chăn nuôi lợn, gia đình anh Quyền còn làm đại lý thức ăn chăn nuôi phục vụ người dân trong vùng. "Toàn xã Thuần Mỹ hiện có khoảng 20 trang trại lợn. Mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư đã giảm mạnh. Những người trụ vững với chăn nuôi lợn đến nay đều có ý thức trong phòng chống dịch bệnh", anh Vũ Kim Quyền nói.
Chia sẻ về những mong muốn về nghề chăn nuôi lợn trong năm 2019, ông Vũ Kim Cường, ở thôn 2 (xã Thuần Mỹ), bộc bạch: "Chúng tôi mong muốn giá cả đầu vào phục vụ chăn nuôi ổn định. Nông dân được tiếp cận vốn ưu đãi để yên tâm sản xuất. "Hiện trên địa bàn thành phố đang triển khai mạnh chăn nuôi theo chuỗi và xây dựng các mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, VietGAP nên các chủ trang trại như chúng tôi không muốn bị bỏ lại phía sau trong xu thế chăn nuôi hiện đại...", ông Vũ Kim Cường bày tỏ.
Ông Nguyễn Hưng Thỉnh, ở cụm 5 (xã Thọ Lộc) - một trong những hộ đầu tiên tham gia mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học của huyện Phúc Thọ, đang nuôi 200 lợn thịt và hơn 20 lợn nái. Ông Thỉnh chia sẻ: "Công tác chăm sóc đàn lợn được duy trì tốt, dù vui xuân nhưng mọi hoạt động của trang trại vẫn diễn ra như ngày thường. Dù giá bán sản phẩm lợn sinh học luôn cao hơn so với lợn chăn nuôi thông thường 2.000 - 4.000 đồng/kg, nhưng dịp Tết này sản phẩm của trang trại rất đắt hàng".
Tại huyện Phúc Thọ, từ 3 trang trại ban đầu, đến nay, mô hình này đã nhân rộng lên 14 trang trại với quy mô chăn nuôi 50-200 con/trang trại. Ngoài phục vụ nhu cầu người dân huyện Phúc Thọ, sản phẩm thịt lợn sinh học còn được bán ở hơn 10 đại lý trên địa bàn Thủ đô. Nhằm gắn chăn nuôi với giết mổ theo chuỗi khép kín, Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp Phúc Thọ đã đầu tư xây dựng một khu giết mổ với công suất 50 con/ngày để sơ chế thực phẩm và nhận bao tiêu sản phẩm cho các hộ trong chuỗi. "Năm mới, chúng tôi mong cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm an toàn thực phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho những người làm ăn chân chính phát triển", ông Nguyễn Hưng Thỉnh bộc bạch.
Ngày xuân, xông đất các trang trại lợn, chia vui với chủ trang trại sau một năm thuận lợi, chúng tôi đồng cảm với tâm huyết và những mong ước trong năm mới Kỷ Hợi của họ. Tất cả cho ngành chăn nuôi tiếp tục ổn định, phát triển bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.