(HNM) - Vấn đề mất vệ sinh, an toàn thực phẩm đã được các cơ quan truyền thông đại chúng lên tiếng, vào cuộc tích cực, nhưng việc xử lý vẫn chưa được nhiều, nhất là những hàng rong, hàng ăn uống bày bán trên vỉa hè, đường phố…
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử lý nhiều đồ ăn, uống bày bán ở vỉa hè không bảo đảm VSATTP như trà chanh, thịt xiên nướng, trà sâm, bún, miến, nước mía… Nhiều con phố có hàng chục quán ăn vỉa hè thì tất cả đều vi phạm các tiêu chí VSATTP. Những hàng quán này thường rất cơ động, thậm chí họ có hẳn một hệ thống cảnh giới từ xa, cứ thấy thấp thoáng bóng lực lượng chức năng là họ vội vàng thu dọn, khi lực lượng tuần tra đi khỏi, họ lại bày hàng ra bán. Do đó, để kiểm tra và xử lý triệt để những hàng quán vỉa hè là rất khó khăn.
Có một điều dễ thấy là với người bán hàng ăn uống vỉa hè, hàng rong, mưu sinh là lý do chính để họ phải làm. Anh Nguyễn Tiến Mạnh (quê ở Hưng Yên), một người bán hàng rong cho biết, dù không muốn vì bụi bẩn, mệt nhọc và thường xuyên phải “trốn” trật tự, nhưng theo anh nếu chỉ ngồi một chỗ trong chợ sẽ khó bán hàng hơn, lại phải trả tiền thuê ki ốt, nên không có lãi. Còn với những người mua hàng rong, chỉ có một lý do là "tiện".
Một lý do khác để những quán hàng ăn vỉa hè tồn tại đó là thói quen của thực khách. Kể cả khách du lịch đến Việt Nam cũng tỏ ra thích thú với những quán ăn vỉa hè. Trong một cuộc khảo sát cách đây không lâu, nhiều người lo ngại về tình trạng mất VSATTP, nhưng cũng cảm thấy tiếc nuối khi hàng quán vỉa hè bị dẹp đi.
Hà Nội đang phấn đấu có 100% xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã triển khai công tác bảo đảm VSATTP đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố được kiểm tra, giám sát theo quy định. Tuy nhiên, để làm được điều này không thể chỉ có xử phạt, mà cần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ luật pháp của chủ hàng và ứng xử đúng mức với hàng rong, quán vỉa hè.
Với người bán hàng rong, các lực lượng chức năng cần kiên trì thuyết phục họ hạn chế bán hàng trên vỉa hè và kiên quyết không cho bán hàng dưới lòng đường. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng tổ chức những khu vực riêng để những người bán hàng rong tập trung lại, bán hàng theo kiểu "chợ phiên". Hà Nội đã có một mô hình rất thành công là chợ đêm phố cổ. Ở đó, không ít người trước đây rong ruổi bán hàng đã tìm ra lý do để không bán rong nữa, đã nhiều khách hơn, đỡ phải đi lại và quan trọng nhất là không tốn quá nhiều chi phí cho cửa hàng. Với những người có thói quen dừng lại giữa đường mua hàng rong, cần đưa ra quy định xử phạt hành chính đối với hành vi mua hàng rong, gây ùn tắc giao thông.
Một việc cũng có thể góp phần tăng cường ý thức về VSATTP của các hàng quán đường phố là thành lập các tổ tự quản, với nòng cốt là cư dân của các khu phố có hàng quán, trong đó có tổ dân phố, chi ủy, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên và có cả những người buôn bán. Các tổ tự quản hoạt động với tinh thần tự nguyện và được sự quản lý, tạo điều kiện của chính quyền địa phương. Khi thành lập tổ tự quản, cần có sự thống nhất giữa các thành viên trong tổ và đại diện chính quyền địa phương về mục đích, tiêu chí hoạt động, nội quy, có kế hoạch cụ thể, rõ ràng, có thi đua khen thưởng và xử phạt nếu vi phạm nội quy. Trong đó, nội quy quan trọng nhất là cam kết không bán đồ ăn độc hại, chỉ bán các loại thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chế biến sạch, cũng như bảo đảm VSATTP khi bán hàng. Cách làm này, chính người bán hàng cũng có thể đưa ra tiếng nói của mình, cùng nhau bàn bạc để giải quyết những khó khăn, vướng mắc đối với từng địa bàn cụ thể.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.