(HNM) - Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, các ngân hàng thương mại chịu ảnh hưởng không nhỏ do dịch Covid-19. Tăng trưởng tín dụng giảm mạnh do nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân giảm sút, buộc ngân hàng phải tập trung tái cơ cấu, đẩy mạnh nguồn thu từ các dịch vụ khác để gia tăng lợi nhuận, không làm nợ xấu phát sinh.
Tìm cách tăng nguồn thu
Đánh giá về hoạt động ngân hàng từ đầu năm 2020 đến nay, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) Phạm Chí Quang cho biết, do tác động của dịch Covid-19, nhu cầu tín dụng còn yếu nên tính đến ngày 16-9 tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 4,81%. Còn Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Tuấn Anh thừa nhận, ảnh hưởng của dịch bệnh đã dẫn đến việc khách hàng gặp khó khăn trong trả nợ ngân hàng đúng hạn, dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 2,27 triệu tỷ đồng, chiếm trên 25% dư nợ toàn hệ thống. “Mặc dù các ngân hàng đưa ra nhiều gói tín dụng lãi suất thấp, Ngân hàng Nhà nước cũng nới “room” tín dụng (giới hạn cho vay) đối với tất cả các ngân hàng có nhu cầu và khả năng tăng trưởng tín dụng, song số lượng khách hàng vay vẫn rất ít”, ông Nguyễn Tuấn Anh nói.
Về phía các ngân hàng thương mại, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) Lê Đức Thọ cho hay, đến cuối tháng 8-2020, VietinBank có 9.614 khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với dư nợ là 288.708 tỷ đồng. Dự kiến lợi nhuận của ngân hàng có thể giảm vài nghìn tỷ đồng. Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Phạm Quang Dũng cũng cho biết, ảnh hưởng của dịch Covid-19 buộc Vietcombank phải giảm 20% chi phí hoạt động. Còn Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) Phạm Quang Thắng thông tin, đến ngày 31-8, tổng dư nợ của ngân hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 là 62.228 tỷ đồng.
Để vượt qua khó khăn do dịch Covid-19, yêu cầu tái cơ cấu hoạt động, dịch vụ của các ngân hàng được đặt ra cấp thiết. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank Lê Đức Thọ, ngân hàng đã đẩy mạnh tái cấu trúc hoạt động, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực cho phát triển, như tăng cường huy động các nguồn vốn với chi phí thấp, giảm tỷ lệ chi phí/thu nhập từ 34,2% cùng kỳ tháng 9-2019 xuống còn 30,9%. Đặc biệt, VietinBank điều chỉnh cơ cấu danh mục tín dụng, ưu tiên vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh được khuyến khích; tỷ trọng dư nợ giữa các phân khúc khách hàng được cân đối lại bám sát định hướng của Chính phủ.
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cũng tái cơ cấu hình thức hoạt động bằng việc triển khai nhiều dịch vụ thanh toán điện tử. Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mở các kênh ngân hàng điện tử hỗ trợ thực hiện nhiều giao dịch như tra cứu số dư, chuyển tiền, nạp tiền, thanh toán hóa đơn điện, nước, internet, truyền hình, đóng học phí... Đồng thời khách hàng có thể tiếp cận các dịch vụ tài chính như gửi tiết kiệm, vay tiền trực tuyến. Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank) cũng điều chỉnh kế hoạch kinh doanh trong đó tập trung vào các sản phẩm trực tuyến, thẻ và ứng dụng ngân hàng số SeAMobile New..., qua đó giúp duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Đến tháng 9-2020, cho vay khách hàng đạt 98.043 tỷ đồng, tăng 11,2%; tỷ lệ thu dịch vụ ngoài tín dụng của SeABank cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019…
Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho khách hàng
Theo Ngân hàng Nhà nước, nhờ tái cơ cấu dịch vụ nên hoạt động thanh toán 9 tháng năm 2020 có sự tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2019. Giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 13,61% về giá trị; các giao dịch bán lẻ tăng 74,07% về số lượng và tăng 106,9% về giá trị. Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán qua thẻ tăng tương ứng 29,7% và 15,8%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 184,2% và 186,3%; qua internet tăng 39,1% về giá trị.
Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) Phạm Tiến Dũng đánh giá, các ngân hàng đã đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ hiện đại, thân thiện, tiện lợi cho khách hàng; đồng thời, từng bước xây dựng hạ tầng số tập trung, chuẩn hóa, tích hợp tạo hệ sinh thái số trải rộng nhiều lĩnh vực. Hoạt động thanh toán dịch vụ công tiếp tục được triển khai rộng rãi. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho thanh toán điện tử, chủ động phối hợp các đơn vị liên quan nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho khách hàng trong bối cảnh dịch Covid-19.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, ở góc độ quản lý nhà nước, việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng đạt được những kết quả quan trọng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục được duy trì ở mức dưới 2%. Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 7-2020, các tổ chức tín dụng đã xử lý 1.113,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó 7 tháng năm 2020, tổng nợ xấu được xử lý là khoảng 63,7 nghìn tỷ đồng. Năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng được củng cố; chất lượng quản trị điều hành từng bước tiệm cận với thông lệ quốc tế, đạt các tỷ lệ, giới hạn an toàn theo quy định. Đồng thời, kỷ cương, kỷ luật trên thị trường tiền tệ và lĩnh vực ngân hàng được chấn chỉnh, góp phần ổn định, bảo đảm an ninh tài chính - tiền tệ.
Trong bối cảnh dịch bệnh, các ngân hàng tập trung tái cơ cấu dịch vụ gắn với xử lý nợ xấu theo phương án giai đoạn 2016-2020 đã phê duyệt là giải pháp hiệu quả để gia tăng lợi nhuận, không làm nợ xấu phát sinh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.