Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ứng phó thiếu hụt nguồn nước gieo cấy lúa xuân

Kim Nhuệ| 17/12/2022 06:16

(HNM) - Lượng mưa ít, mực nước các sông tiếp tục xuống thấp, nhiều công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp... là những thách thức trong bảo đảm nguồn nước gieo cấy lúa vụ xuân 2023. Ứng phó với thách thức này, ngành Nông nghiệp Thủ đô đang tích cực triển khai các giải pháp nâng cao năng lực công trình lấy nước.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra công tác chuẩn bị lấy nước gieo cấy lúa xuân tại Trạm bơm Thanh Điềm (huyện Mê Linh), ngày 15-12.

Nguy cơ cao thiếu hụt nguồn nước

Vụ xuân 2023, ngành Nông nghiệp Hà Nội phấn đấu gieo cấy khoảng 81.242ha lúa và 21.059ha rau màu các loại. Thời vụ gieo cấy lúa tập trung từ ngày 4-2 đến 28-2-2023; gieo trồng rau màu trong tháng 2 và đầu tháng 3-2023. Thực tế nhiều năm cho thấy, năng suất lúa xuân thường cao hơn nhiều so với các vụ còn lại trong năm nếu bảo đảm đủ nguồn nước gieo cấy.

Tuy nhiên, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, từ tháng 12-2022 đến tháng 2-2023, tổng lượng mưa tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ ở mức thấp hơn cùng kỳ trung bình nhiều năm khoảng 5-15%. Dòng chảy trên lưu vực sông Đà thiếu hụt 15-35%, hạ lưu sông Hồng thiếu hụt 20-40%...

Trong khi đó, những năm gần đây, mực nước các sông: Hồng, Đà, Đuống, Đáy, đoạn chảy qua địa phận Hà Nội, ngày càng hạ thấp, nhất là thời kỳ lấy nước đổ ải, gieo cấy lúa vụ xuân. Đơn cử trên sông Đà, nếu năm 2019 mực nước thấp nhất tại Trạm bơm Trung Hà (huyện Ba Vì) đạt 6,5m thì vụ xuân 2022 chỉ còn 4,7m. Trên sông Hồng, đoạn Trạm bơm Phù Sa (thị xã Sơn Tây), mực nước thấp nhất năm 2019 là 1,86m, còn vụ xuân 2022 là 0,99m… Thời điểm này, số liệu quan trắc của Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy cũng cho thấy, mực nước trên sông Hồng đang thấp hơn cao trình lấy nước của Trạm bơm dã chiến Bá Giang (huyện Đan Phượng)…

Do mực nước sông xuống thấp nên nhiều trạm bơm chính của thành phố như: Ấp Bắc (huyện Đông Anh), Trung Hà, Sơn Đà (huyện Ba Vì), Phù Sa (thị xã Sơn Tây)… không thể vận hành hoặc không đạt hiệu suất thiết kế. Bên cạnh đó, nhiều trạm bơm hư hỏng, xuống cấp, tuyến kênh bị sụt sạt bờ, lòng dẫn bị bồi lắng bùn đất, phát sinh bèo cỏ, rác thải sinh hoạt… Điển hình là Trạm bơm dã chiến Bá Giang (huyện Đan Phượng), ống hút bị mọt gỉ, kênh xả bị bồi lắng, hệ thống cấp điện không bảo đảm an toàn. Trạm bơm chính Ấp Bắc (huyện Đông Anh) phát sinh sự cố hư hỏng các tổ máy số 2, 4, 6, kênh dẫn ngoài sông, bể hút đang bị bồi lắng. Trong khi đó, Trạm bơm dã chiến Ấp Bắc bị phù sa bồi lấp khoảng 0,5-1,2m. Tại Trạm bơm Thanh Điềm (huyện Mê Linh), kênh dẫn ngoài sông đang bị phù sa bồi lấp khoảng 0,5-1,5m…

Huyện Ứng Hòa phấn đấu trong tháng 12-2022 sẽ hoàn thành công tác làm thủy lợi nội đồng để lấy nước gieo cấy lúa xuân 2023.

Khẩn trương tu sửa, nâng cấp công trình

Để bảo đảm đủ nước gieo cấy lúa vụ xuân 2023, Bộ NN&PTNT đã thống nhất với Tập đoàn Điện lực Việt Nam tăng cường phát điện, điều tiết để bổ sung nguồn nước cho hạ lưu các sông: Hồng, Đà, Đuống… trong 2 đợt với tổng cộng 12 ngày. Cụ thể, đợt 1 sẽ bắt đầu từ 0h ngày 6-1 đến 24h ngày 9-1-2023 và đợt 2 sẽ bắt đầu từ 0h ngày 1-2 đến 24h ngày 8-2-2023. Trong thời gian điều tiết nước đợt 1, mực nước sông Hồng tại Trạm thủy văn Hà Nội (đoạn cầu Long Biên, quận Long Biên) duy trì trung bình khoảng 1,7m và đợt 2 dự kiến đạt khoảng 1,8-1,9m.

Để sử dụng hiệu quả nguồn nước điều tiết từ các hồ thủy điện trong 2 đợt tới đây, bảo đảm cấp đủ nước sản xuất vụ xuân 2023, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Nguyễn Duy Du cho biết, Sở NN&PTNT Hà Nội đã đề nghị 4 doanh nghiệp thủy lợi thành phố khẩn trương sửa chữa các sự cố, hư hỏng máy móc, thiết bị trạm bơm, nạo vét hệ thống kênh mương; lắp đặt các trạm bơm dã chiến: Sơn Đà, Phù Sa, Ấp Bắc để chủ động lấy nước... Các quận, huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ làm thủy lợi nội đồng; tăng cường tuyên truyền để người dân biết được tình hình nguồn nước khó khăn, chủ động phối hợp các đơn vị vận hành công trình thủy lợi tập trung lấy nước trong các đợt điều tiết nước hồ thủy điện...

Thực hiện chỉ đạo trên, các doanh nghiệp thủy lợi Hà Nội đã xây dựng phương án lấy nước; đang tập trung sửa chữa, vận hành thử trạm bơm, nạo vét kênh mương... Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội Trần Thanh Toàn cho biết, công ty phấn đấu đến ngày 31-12 sẽ hoàn thành công tác nạo vét cửa khẩu, mái bờ kênh dẫn Trạm bơm cố định và dã chiến Ấp Bắc; nạo vét, khơi thông các bể hút, cửa khẩu những tuyến kênh trọng điểm...

Cùng với doanh nghiệp thủy lợi, các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Quốc Oai, Ứng Hòa... đã bố trí kinh phí hỗ trợ các xã, thị trấn nạo vét kênh mương, sửa chữa công trình thủy lợi nội đồng.

Để bảo đảm đủ nước gieo cấy, giảm phụ thuộc nguồn nước điều tiết từ các hồ thủy điện trong vụ xuân 2023 và những năm tiếp theo, các địa phương và doanh nghiệp thủy lợi đề nghị các sở, ngành liên quan kiểm tra, tham mưu UBND thành phố bố trí kinh phí lắp đặt Trạm bơm dã chiến Trung Hà; nâng cấp các trạm bơm dã chiến Ấp Bắc, Bá Giang, nạo vét khơi thông doi cát trên sông Hồng đang phát triển chắn ngang cửa hút Trạm bơm Đan Hoài…

Liên quan vấn đề này, Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, trong tháng 12 này sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra và báo cáo UBND thành phố xem xét. Nhiệm vụ trước mắt, Sở NN&PTNT đề nghị các doanh nghiệp thủy lợi tiếp tục kiểm tra công trình; bố trí đủ nhân lực sẵn sàng tiếp nguồn nước hồ thủy điện ngay từ đợt 1 để tích trữ vào hệ thống sông ngòi, ao hồ phục vụ người dân làm đất, gieo mạ; có biện pháp chống thất thoát nguồn nước; quản lý chặt chẽ nguồn nước của các hồ thủy lợi...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ứng phó thiếu hụt nguồn nước gieo cấy lúa xuân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.